Mặc dù thấy sản phụ bị mất nhiều máu nhưng y sĩ vẫn quả quyết là ổn, chỉ khi thấy tình trạng nguy kịch mới gọi xe cấp cứu đến. Đoạn đường khá xa đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc: Sản phụ tử vong. Cái chết của sản phụ khiến cho hàng trăm người dân và người nhà bệnh nhân bức xúc “quây” trạm y tế xã. Liệu cái chết của sản phụ có phải do sự tắc trách, yếu kém của y sĩ?





Tử vong vì y sĩ không cho chuyển tuyến?
Ngày 24.11, tại trạm y tế xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình xảy ra vụ một sản phụ tử vong sau khi sinh nở. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1988, trú tại thôn Minh Hồng, xã liên Giang, Đông Hưng). Người nhà nạn nhân cho rằng, cái chết của chị Hiền là do sự tắc trách của cán bộ y tế xã.
Theo gia đình nạn nhân phản ánh, khoảng 7h sáng chị Hiền đau đẻ và được người nhà đưa tới trạm y tế xã. Tại đây, chị được y sĩ sản nhi của trạm là Nguyễn Thị Mắc (SN 1963) trực tiếp đỡ đẻ. Đến hơn 9h, chị Hiền sinh được một bé trai nặng hơn 3kg và mẹ tròn con vuông. Thế nhưng, bắt đầu từ 10h trở đi, chị Hiền có biểu hiện xấu do bị băng huyết. Người nhà đã báo cho y sĩ Mắc để xử lý, nhưng y sĩ vẫn thông báo là ổn. Tuy nhiên, thấy sản phụ Hiền ngày càng có biến chứng xấu và lâm vào tình trạng nguy kịch, tới hơn 11h30, y sĩ của trạm mới gọi xe cấp cứu đến trợ giúp chuyển viện. Tới hơn 12h, xe cấp cứu xuống đến nơi thì sản phụ Hiền đã tử vong do tình trạng băng huyết trầm trọng dẫn đến thiếu máu. Sau đó, cháu bé mới sinh của sản phụ Nguyễn Thị Hiền được chuyển xuống khoa nhi, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình để chăm sóc.
Ông Nguyễn Đức Thuyết (SN 1966, chú ruột của nạn nhân) bức xúc: “Cái chết của cháu tôi là do sự tắc trách của đội ngũ y sĩ trạm. Vì lúc cháu tôi bắt đầu nguy kịch, gia đình đã thông báo cho y sĩ nhưng y sĩ của trạm nói là không có vấn đề gì. Khi cháu bị ra nhiều máu, gia đình lo sợ xin y bác sĩ cho chuyển viện thì y sĩ trực tiếp phụ trách việc chăm sóc cháu Hiền vẫn quả quyết rằng không cần chuyển, cứ để ở trạm sẽ xử lý được. Đến khoảng 11h30, thấy tình trạng của cháu quá nguy kịch thì y sĩ mới gọi xe cấp cứu cho cháu tôi chuyển viện. Xe đến nơi thì cháu tôi đã lâm nguy, không thể cứu được. Như vậy, cái chết của cháu tôi chính là do sự thờ ơ của đội ngũ y bác sĩ của trạm”.
Chồng của nạn nhân anh Đỗ Văn Dũng (SN 1981) cho rằng: “Lúc vợ tôi có biểu hiện xấu đi, gia đình đã khẩn thiết xin cho cô ấy được chuyển viện nhưng y sĩ cứ khẳng định là ổn. Nếu cho vợ tôi chuyển viện sớm thì đâu có đến nỗi như vậy…”.
Ông Nguyễn Gia Nhoang - Chủ tịch xã Liên Giang - trao đổi với phóng viên.
Người nhà đòi làm đám tang tại trạm y tế
Vì quá bức xúc trước cái chết của chị Hiền, người nhà của sản phụ đã kéo tới trạm y tế xã Liên Giang. Sự việc thu hút hàng trăm người dân tới xem khiến trạm y tế tắc nghẽn người. Chính quyền xã Liên Giang phải huy động toàn bộ lực lượng cùng với lực lượng Công an huyện Đông Hưng và Công an tỉnh Thái Bình giữ gìn an ninh trật tự.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch xã Liên Giang - ông Nguyễn Gia Nhoang - cho biết: “Nhận thấy vụ việc phức tạp nên chính quyền đã tuyên truyền vận động người nhà nạn nhân giữ bình tĩnh, cùng hợp tác để giải quyết vụ việc. Bước đầu, chúng tôi đã đưa cháu bé của gia đình chị Hiền xuống Bệnh viện Phụ sản Thái Bình để chăm sóc. Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch huyện Đông Hưng - đã trực tiếp xuống trạm y tế để giải quyết vụ việc. Tới hơn 20h, gia đình mới đồng ý hợp tác với cơ quan chức năng, cho phép khám nghiệm tử thi sản phụ Hiền”.
Cũng theo ông Nhoang, sau khi khám nghiệm xong, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể cho gia đình. Chính quyền xã Liên Giang cùng trung tâm y tế xã bước đầu đã hỗ trợ cho gia đình số tiền 15 triệu đồng lo ma chay cho nạn nhân. Tuy nhiên, do người nhà nạn nhân bị một số đối tượng xấu xúi giục nên đã thúc ép chính quyền. Gia đình nhất quyết không đưa chị Hiền về và yêu cầu chính quyền xã Liên Giang phải tổ chức, lo ma chay cho nạn nhân ngay tại trạm y tế. Họ cũng đã dựng lều căng bạt tại đó. Chính quyền tiếp tục vận động và tuyên truyền, cuối cùng gia đình nạn nhân đã đồng ý với mức hỗ trợ mai táng là 50 triệu đồng. Đến ngày 25.11, gia đình đã hoàn thành việc mai táng cho chị Hiền tại nhà theo phong tục địa phương. Đại diện các cơ quan Trung tâm y tế huyện Đông Hưng, chính quyền xã Liên Giang cũng tới nhà, thăm hỏi và động viên gia đình.
Cần làm rõ nguyên nhân cái chết
Được biết, gia đình chị Hiền là hộ cận nghèo trong thôn, kinh tế khá khó khăn. Theo anh Dũng, đây là đứa con thứ hai của vợ chồng anh chị, cái chết của chị Hiền là một tổn thất lớn cho gia đình. “Tôi yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của những người có liên quan tới cái chết của vợ tôi. Chỉ vì sự tắc trách mà giờ đây vợ tôi không còn, bỏ lại hai đứa con cho tôi”, anh Dũng nói.
Ông Nguyễn Gia Nhàn - chú của nạn nhân - cho biết: “Tuy chính quyền có hỗ trợ bước đầu, nhưng chúng tôi không đồng ý với cách giải quyết của chính quyền. Gia đình chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu tôi. Cháu tôi sinh xong vẫn khỏe mạnh, không thể tự nhiên lại tử vong được. Chỉ có sự thờ ơ của trạm y tế mới dẫn đến cái chết của cháu. Cứ thế này còn ai dám đẻ ở trạm xá nữa, còn đi tuyến trên thì chúng tôi dân nghèo chẳng có tiền và điều kiện”.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch xã Liên Giang ông Nguyễn Gia Nhoang cho biết, chiều 25.11, huyện Đông Hưng đã tổ chức cuộc họp với đại diện của Trung tâm y tế huyện cùng chính quyền xã Liên Giang và ra quyết định đình chỉ công tác với bà Nguyễn Thị Mắc - y sĩ sản phụ trạm xá Liên Giang. Đồng thời, yêu cầu bà Giang hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hiền. Ông Nhoang cũng cho biết, đây là lần thứ hai trạm y tế của xã xảy ra việc sản phụ bị băng huyết nguy kịch. Vì vậy, chính quyền cùng những người có trách nhiệm sẽ họp và rút kinh nghiệm, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Theo laodong

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn