Tiết học của học sinh lớp 7H Trường THCS Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) sáng 24/11, bắt đầu bằng những hình ảnh chuyện Hào Anh từ cậu bé từng bị chủ đầm tôm đánh đập dã man, sau 4 năm lại đánh, đuổi bố mẹ ra đường.





Đoạn clip ngắn kết thúc, dưới lớp một vài học trò gương mặt cũng rơm rớm nước mắt. “Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hành động này của Hào Anh” - cô giáo Nguyễn Thị Thắm, chủ nhiệm lớp 7H nhẹ nhàng hỏi.
Những đáp án được đưa ra: “Do anh ấy đi chơi về và xin tiền không được; Hồi nhỏ bị ngược đãi nên lớn bị ảnh hưởng”,…


Cô giáo Nguyễn Thị Thắm trong tiết dạy phòng chống bạo lực cho trò lớp 7 Trường THCS Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Văn Chung)

“Vòng tròn bạo lực là khái niệm dùng để chỉ những hành vi bạo lực được lặp đi lặp lại trong mối quan hệ. Nó khởi đầu từ những biến cố nhỏ và tịnh tiến đến những hành vi thô bạo nặng nề hơn. Nó bắt đầu từ thời điểm ấu thơ khi trẻ là nạn nhân hoặc chứng kiến hành vi bạo lực và trở nên trầm trong hơn khi trẻ trưởng thành” – lời cô Thắm.
Tới đây cô Thắm hỏi và chia lớp thành 3 nhóm học sinh: nhóm từng chứng kiến, từng là nạn nhân và từng thực hiện hành vi bạo lực với người khác.
Thảo luận về điều này, bên cạnh sự thương xót, lo lắng, sợ hãi hay tội nghiệp cho nạn nhân, có học sinh chia sẻ em thấy “kích thích”, thậm chí “vui khi nhìn thấy cảnh này”. Nhóm thực hiện ngoài sự hối hận, sợ hãi, lo lắng và xấu hổ thì cũng có ý kiến “thỏa mãn, sung sướng”.
Nhóm cảm thấy bị đánh chia sẻ cảm xúc sợ hãi, đau đớn, không muốn muốn nói cho ai hết, mặc cảm với bản thân, muốn trả thù hay ác cảm với người xung quanh, trầm cảm, ức chế, nhục nhã.


Học trò cùng xem và thảo luận xung quanh câu chuyện Hào Anh đánh đập bố mẹ. (Ảnh: Văn Chung)
"Bạo lực thì ai chịu tổn thương nặng" - cô Thắm đặt vấn đề. Những người bị bạo lực nhiều cảm xúc nhất. Người chứng kiến thậm chí người thực hiện cũng bị tổn thương. Nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Thế nên từ chỗ bị bạo lực đến thực hiện hành vi bạo lực rất ngắn, các em ạ” – cô Thắm nói. Những hành động như sung sướng, vui, thỏa mãn chỉ càng khiến các em sa vào bạo lực và bị bạo lực mà thôi.
Tiết học tiếp tục với nhiều hình ảnh, clip sinh động. Cô giáo đóng vai trò người hướng dẫn học sinh thảo luận về cách phòng-chống những hành vi bạo lực trong và ngoài trường học.
Thông điệp hãy lên tiếng để bảo vệ mình và mọi người được các thành viên trong lớp thống nhất cao. “Nếu không được lên tiếng bạo lực có thể sẽ tiếp diễn và nặng nề hơn” – một nữ sinh mạnh dạn phát biểu cuối tiết học.


Học sinh cùng thảo luận và đưa ra phương án giải quyết, ngăn chặn bạo lực. (Ảnh: Văn Chung)

Tiết học của cô Thắm và các học trò chỉ là một phần trong Dự án Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng được thực hiện thí điểm tại 10 trường THCS và 10 trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội hi vọng từ những tiết học nhẹ nhàng này thầy cô sẽ giúp trang bị cho học sinh những kĩ năng để bảo vệ bản thân và người xung quanh.
Theo Vietnamnet

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn