Hiện nay mới chỉ có khoảng 15% cơ sở lao động trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động, công nhân được khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kỳ, theo công bố mới nhất của Bộ Y tế.





TPHCM có khoảng 150.000 doanh nghiệp, 200.000 cơ sở sản xuất nhỏ và vừa với trên 2,5 triệu lao động nhưng rất ít người lao động được chăm sóc sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp.
TS. Phạm Hồng Lân, Trưởng khoa sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của Viện vệ sinh Y tế công cộng TPHCM cho biết, một cuộc khảo sát vừa được viện này thực hiện cho thấy, trong số 1.000 công nhân nghề may được thăm dò thì 93% bị mệt mỏi sau lao động; trong đó 47% mệt mỏi toàn thân 17% nặng đầu, nhức đầu; 15% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai.
Theo Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp TPHCM, nếu như các năm trước tỷ lệ bệnh nhân là công nhân chỉ chiếm 10% - 15% thì nay công nhân chiếm gần 30% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh nghề nghiệp.
Ông Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM, cũng cho biết qua đo đạc môi trường lao động tại 1.022 cơ sở trên địa bàn TPHCM trong 9 tháng vừa qua, Trung tâm phát hiện thấy các yếu tố ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, bụi đều vượt tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ cho gần 6.000 người lao động đã xác định 32,28% thuộc loại kém, 32,35% loại trung bình và gần 8% là thuộc loại rất kém. Đáng lưu ý, trong hơn 66% doanh nghiệp có yếu tố nguy cơ nhưng chỉ 24,5% tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; công tác tầm soát và bảo vệ sức khỏe cho công nhân hiện chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Ông Tiến nhận định, khi đi kiểm tra, có nhiều doanh nghiệp cả mấy năm trời không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân; thậm chí có doanh nghiệp sản xuất khói bụi mù mịt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe công nhân nhưng cũng không hề được quan tâm, khắc phục.
Theo thesaigontimes

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn