Văn phòng Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá (Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế) vừa đưa ra 3 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Trong đó, dự kiến đến năm 2018 thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể lên tới 145%.





Cụ thể, phương án thứ nhất là mức tăng thuế thuốc lá được đưa ra trong dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là từ đầu năm 2016 sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 65% lên 70% và đầu năm 2019 sẽ tăng từ 70-75%.
Với phương án 2, văn phòng dựa trên mục tiêu quốc gia về giảm tỉ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam. Trong Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 229/2013/QĐ-TTg, đã đặt chỉ tiêu “giảm tỉ lệ hút thuốc của nam giới từ 47,4% xuống còn 39% vào năm 2020”.

Đối tượng hút thuốc lá ở Việt Nam đang "trẻ hóa"
Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia tổ chức WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vào năm 2015 tăng từ 65% lên 105% và đầu năm 2018 sẽ tăng từ 105% lên 145%.
Phương án 3, văn phòng đưa ra đó là tăng thuế để giữ sức mua thuốc lá không tăng. Nghĩa là từ đầu năm 2015, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 65% lên 85% và từ đầu năm 2018 tăng từ 85% lên 105%.
Ba phương án nằm trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26/11 tới. Như vậy ở mức cao nhất thì việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể lên tới 145%.
Việt Nam hiện nằm trong số 15 quốc gia có người hút thuốc nhiều nhất. Cùng với đó thì các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên ở nước ta cho thấy tỉ lệ hút thuốc trong độ tuổi này đang tăng, thậm chí là đang được "trẻ hóa".
Theo bà Phan Thị Hải - Phó chánh Văn phòng chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, hiện có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi là người hút thuốc. Với tình hình này thì tương lai nhiều thanh niên Việt sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn về sức khỏe. Trong khi đó, thuế thuốc lá ở Việt Nam vào loại thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (chỉ bằng 80% ở Pháp, 73% ở Đức và 60% ở Úc… và chỉ cao hơn Campuchia ở khu vực ASEAN).
Việc đánh thuế thấp đã khiến giá thuốc lá rẻ, tạo điều kiện để thanh thiếu niên hút thuốc. Vì vậy, tăng thuế tiêu thụ đối với thuốc lá đang được xem là phương án tối ưu nhất để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong dài hạn đối với cộng đồng.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn