Không lương, thưởng, không phụ cấp nhưng 3 năm qua em Trần Thiều Quang (học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) vẫn miệt mài đem cái chữ đến với các em khuyết tật tại CLB trẻ em Hà Nội





Gặp Quang tại Câu lạc bộ (CLB) trẻ em khuyết tật Hà Nội (Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội), chúng tôi bị ấn tượng ở cậu học sinh có vẻ ngoài điềm đạm, cặp kính cận dày cộp và ít nói này bởi phong cách giảng dạy rất tự tin và dễ gần khác hoàn toàn so với vẻ bề ngoài của em. Từng lời giảng, cách phát âm và cách dẫn dắt "học trò" của Quang khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác.
Quang sinh ra trong một gia đình viên chức, mẹ em công tác trong quân đội còn bố em làm kinh doanh. Quang được hưởng tố chất thông minh từ cả cha và mẹ. Tuy chỉ mới học lớp 8, nhưng Quang đã có thể đọc thông viết thạo tiếng Anh, đặc biệt Quang rất thích thú với những chương trình có phụ đề bằng tiếng Anh.
<center></center><center>Thầy giáo nhí - Trần Thiều Quang đang giảng bài cho các bạn ở CLB trẻ em khuyết tật Hà Nội</center>
Quang cho biết, khi đang theo học lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lớp em tổ chức chương trình mang trung thu đến với các bạn ở CLB trẻ em khuyết tật Hà Nội. Lần đầu tiên đến CLB, được tiếp xúc và trò chuyện với các em khuyết tật, Quang nhận thấy các bạn ở đây gồm nhiều lứa tuổi, mắc những căn bệnh khác nhau và rất thích thú khi có người lạ đến thăm.
Mong muốn có thể làm được việc gì đó giúp đỡ các bạn ở đây, Quang và ba bạn khác cùng lớp đến xin phép được dạy học cho các bạn mỗi tuần. Với thế mạnh môn Anh văn, Quang xin đăng ký dạy môn này. Dù lịch học của một học sinh trường chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn dày đặc, cộng với các buổi học thêm bên ngoài nhưng Quang vẫn cố gắng bố trí thời gian để có thể đến lớp dạy vào sáng chủ nhật hàng tuần.
Đã 3 năm nay, Quang vẫn đều đặn sáng chủ nhật hàng tuần dù trời mưa hay trời nắng đến CLB để dạy học cho các bạn khuyết tật.
Lớp học ban đầu chỉ lác đác vài bạn, nhưng hiện nay sĩ số đã lên đến con số 20 bạn. Với nhiều lứa tuổi khác nhau, "học trò" nhỏ nhất mà Quang dạy năm nay mới lên 10, người nhiều tuổi nhất năm nay cũng gần gấp ba số tuổi của Quang. Trong mỗi lời giảng Quang luôn sử dụng song song hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Anh để các bạn dễ hiểu
Quang tâm sự: “Các bạn ở đây không được may mắn như những người bình thường khác. Em muốn giúp các bạn có một chút kiến thức về môn học tiếng Anh để các bạn tự tin khi bước vào đời”.
Không có bất kỳ một cuốn giáo trình nào hướng dẫn về cách dạy trẻ khuyết tật, sau nhiều đêm mày mò nghiên cứu cộng với những lần giảng dạy trên lớp cuối cùng Quang cũng hoàn thành xong cuốn giáo án dành riêng cho lớp học đặc biệt này.
Chia sẻ với chúng tôi Quang tâm sự: “Do các bạn khuyết tật ở đây trí óc không được nhanh nhẹn như người bình thường, các bạn rất nhanh quên nên đối với mỗi bài học em thường cho các bạn học đi học lại nhiều lần. Bên cạnh đó, vào cuối giờ em thường cho các bạn chơi trò chơi kết hợp với trả bài cho đỡ nhàm chán. Vì vậy, các bạn rất thích thú mỗi khi đến giờ học tiếng Anh”.
Nói về "thầy giáo nhí" Nguyễn Thiều Quang, chị Trần Thị Hải Ninh (Phó Chủ nhiệm CLB) cho biết: “Em Quang là một người không chỉ ngoan ngoãn, lễ phép mà còn là một thầy giáo rất nhiệt tình trong công việc. Em đến với lớp học này bằng một tình thương cảm sâu sắc, biết yêu thương các em học sinh của mình và luôn tận tình giúp đỡ các em”.
Chào từ biệt, hình ảnh những cô cậu học trò với nét mặt khờ dại, khuôn miệng khó khăn mỗi khi cất lời nhưng vẫn nhiệt tình, chăm chú nghe giảng và hình ảnh một người thầy đầy tâm huyết với lớp học cứ đeo đuổi tôi trong suốt quãng đường trở về. Tấm lòng của "thầy giáo nhí" khiến tôi ấm lòng!
Theo 24h.vn

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn