Một Bộ trưởng, một chính khách thì bên cạnh việc xử lý điểm nóng cần biết đối thoại, phải biết biến vụ việc đơn lẻ thành chính sách chung cho xã hội.





Đó là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khi chia sẻ với phóng viên VTC News xung quanh câu chuyện vềtín nhiệm thấp, tín nhiệm cao của các Bộ trưởng, trưởng ngành mới đây.


50 lãnh đạo chủ chốt được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần 2 (Ảnh Quang Tùng)

Trò chuyện với phóng viên VTC News sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh chủ chốt, đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã có những chia sẻ, góc nhìn rất riêng trước kết quả này.

Bộ trưởng cần biết đối thoại và chia sẻ
- Với trường hợp những người được đánh giá tín nhiệm cao vượt bậc lần này, như Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình… ông đánh giá như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Kiên
Kết quả ở đây cũng phản ánh đúng đánh giá của dư luận xã hội.

Thực tế, qua những ứng xử và xử lý tính huống của Bộ trưởng Thăng chẳng hạn, chúng ta thấy ngay hình ảnh của một ông Bộ trưởng gần dân, xông xáo với đời thường.

Lâu nay người dân luôn có cảm giác là bộ máy của chúng ta nó quan liêu, hành chính quá, nên xa rời dân. Bởi vậy trước hành động như thế thì nó tạo cho người dân một cái nhìn rất khác về Bộ trưởng.

Lấy một ví điển hình như vụ việc của vợ nạn nhân bị thép rơi vào người tử vong ở tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Thăng đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuyển cho vợ nạn nhân đó về làm việc gần nhà. Ở đây chúng ta thấy về mặt tình cảm, nó hết sức nhân văn, và nó thể hiện tình người.

Nhưng đứng về góc độ người làm công tác pháp luật, thì nó có vấn đề. Rõ ràng việc can thiệp của cơ quan hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp là chưa đúng luật.

Ở đây chúng ta thấy, người Việt Nam hay trọng chữ tình, nên khi thấy như thế, chúng ta chỉ nói với nhau về cái tình chứ còn cái lý thì chưa đúng.

Nếu áp dụng làm một trường hợp thì được nhưng trở thành lan tràn ra thì không được.

Hoặc là chúng ta thấy là đúng là trong lĩnh vực tiền tệ, chúng ta đã xử lý được 8 tổ chức tín dụng theo đúng tiến độ mà Thủ tướng Phê duyệt, chứ không phải theo yêu cầu của thực tế. Nhưng đặt vấn đề, đến thời điểm này những cái đó có tác dụng tích cực ngược trở lại nền kinh tế không? Thì phải nói là chưa! Chưa chứ không phải là không.

Tất nhiên, các đại biểu vẫn đánh giá rằng ít nhất là người đứng đầu ngành ngân hàng đã hành động, ít nhất phải hành động để người ta thấy được. Và cái quan trọng nhất là trong quá trình hành động đấy, khi có tác động của dư luận xã hội thì biết lắng nghe và biết chỉnh sửa.

Đặc biệt, cái quan trọng nhất là cái trao đổi thông tin giữa người điều hành và với dư luận xã hội rất quan trọng. Những việc này thì Bộ GTVT hay NHNN đã làm được.
Ông Nguyễn Đức Kiên: 'Bộ trưởng Thăng cần biết biến những sự việc đơn lẻ thành chính sách chung cho xã hội'

Chúng ta cũng sẽ thấy hình ảnh một ông thống đốc NHNN đi lên Tây Nguyên, sẵn sàng nói các ngân hàng thương mại hãy dành một khoản tiền để tái canh cây cà phê, hay là đi vào Thái Bình thì bảo sẽ dành một khoản để mà hỗ trợ phát triển, chuyển đổi cây lúa….

Giữa lúc người dân cảm thấy bị bộ máy hành chính xa rời dân mà lại thấy có một người như thế, mặc dù có thể người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được ngay tiền đó, nhưng ít nhất họ cảm thấy có người hiểu khó khăn của họ, an ủi họ thì họ cần.

Và các đại biểu thì hơn lúc nào hết cũng phản ánh được tâm tư nguyện vọng của dân, nên việc tín nhiệm nó phản ánh điều đó.

Nhưng, nếu chúng ta nhìn lại số lượng các đại biểu chỉ đánh giá là tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì chúng ta thấy số lượng đại biểu đánh tín nhiệm, thì các đại biểu đó vẫn còn đang cân đong đo đếm, nhìn hai mặt của một vấn đề.

Theo tôi, khi phân tích số liệu bỏ phiếu, thì nếu thấy số lượng tín nhiệm thấp mà lớn thì chưa chắc đã là điều xấu, còn tín nhiệm cao nhiều chưa chắc đã là lời khen.

- Điều ông vừa nói có thể sẽ khiến nhiều người thấy như là nghịch lý trong lấy phiếu tín nhiệm, thưa ông?
Không. Cần phải nhìn nhận thế này để thấy điều tôi nói là có cơ sở. Một chính khách phải chuyển được từ hành động riêng lẻ thành cơ chế cho cả xã hội vận hành chứ không phải là từng việc, từng việc một.

Vậy thì với những người kỳ này được tín nhiệm cao, nhờ những hành động đơn lẻ, cá thể, khi anh đạt được niềm tin của người dân gửi gắm vào rồi, mà anh không tiếp tục chuyển từng sự việc thành cơ chế, anh sẽ để người dân thất vọng, lúc đó sẽ quay ngược trở lại.

Nhưng nếu bị bỏ phiếu tín nhiệm thấp nhiều, thì có thể chỉ cần một hai hoạt động mà xử lý tốt, thì người ta nhận thấy có tiến bộ, có thể sẽ dễ thay đổi vào kỳ lấy phiếu sau.

Chúng ta phải nhìn kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở góc độ khoa học.

- Hình như ông hài lòng với những bộ trưởng chịu khó đi vi hành, sát thực tế hơn những vị bộ trưởng ngồi trong phòng làm chính sách?

Nói đến những bộ trưởng ngồi trong phòng làm chính sách thì chúng ta thấy là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là một điển hình nhưng vẫn tín nhiệm cao. Ông chả đi xuống tỉnh nào, chả gặp doanh nghiệp nào nhưng vẫn được tín nhiệm.

Hoặc như Bộ trưởng Tài chính, lẽ ra rất nhiều người ghét, vì cắt ngân sách của tỉnh này tỉnh khác, rất nhiều người ghét, nhưng sao tín nhiệm vẫn cao?

Rõ ràng là cuối cùng là các đại biểu vẫn phải gạt tình cảm của mình đi để nhìn vào sự việc cụ thể. Người bỏ phiếu là người trách nhiệm nặng nề ở chỗ ấy, tức là ở lúc nào đó anh phải hết sức bình tĩnh, phải có trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh.

- Nếu là cử tri thì ông thích là Bộ trưởng có hành động ngay lập tức như Bộ trưởng Thăng, hay là những Bộ trưởng làm chính sách rồi giao cấp phó đảm đương các việc cụ thể?

Tôi thì tôi thích một người bộ trưởng biết đối thoại, và biết xử lý.

Là một chính khách, bên cạnh việc xử lý điểm nóng thì cần phải biết đối thoại. Khi họ đối thoại được thì họ có ý tưởng, họ có chương trình hành động, và cái quan trọng là họ làm sao thuyết phục được người nghe, tức là các cử tri, tin vào chương trình hành động của họ, giám sát các hành động của họ khi thực hiện chương trình hành động đấy.

Chứ nếu từng việc cụ thể một mà nó không nằm trong chường trình hành động cụ thể thì giống như tôi nói ban đầu, nó sẽ không có tác dụng lớn.

Tất nhiên, nếu như bộ trưởng chỉ có ngồi làm chính sách không mà không đi thì lại là chính sách bàn giấy, không ổn. Cần kết hợp hài hòa.

Y tế, giáo dục, văn hóa ít ‘đối thoại’

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố so với dự đoán của ông trước khi lấy phiếu có gì khác nhau?
Tôi thấy hơi bất ngờ đối với trường hợp của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Bộ Y tế. Thực ra, chúng ta thấy sau 2 năm thì bộ Y tế cũng đã làm được rất nhiều việc, nhưng có lẽ phần quan hệ công chúng của Bộ Y tế có vấn đề.
Ở đây phải thấy, việc đấy trước hết trách nhiệm thuộc về đồng chí Bộ trưởng. Mình làm được, mình gặp khó khăn, mà mình không trao đổi được cái khó khăn đấy ra ngoài để mình tạo được cái đồng thuận xã hội, rồi quan trọng nhất là chúng ta không đưa ra được giải pháp để chúng ta cùng xã hội khắc phục vấn đề đấy.

Việc đó thì có đáng trách nhưng thực ra mình ghi nhận y tế là có rất nhiều đóng góp, rất nhiều chuyển biến. Nhưng chuyển biến đó phải làm sao để nói ra được, để đến được với người dân thì Bộ Y tế chưa làm được.

Hoặc ví dụ như Bộ VHTT&DL chẳng hạn, cá nhân mình thì thấy Bộ Văn hóa, luôn luôn có cái ứng xử rất nhanh, xong những cái đó báo chí không thấy.

Ví dụ như việc dừng ASIAD chẳng hạn, không thấy nói đó là thành tích. Mọi người cứ nhìn Bộ VHTT như một người làm khuyết điểm. Ở đây đăng cai không phải là Bộ Văn hóa, mà là Hà Nội. Nhưng Bộ VHTT&DL thấy rằng nếu mình giải thích ra thì lại bảo đùn đẩy trách nhiệm nên không giải thích.

Chính những cái đấy cho thấy việc quan hệ công chúng của nhiều đồng chí bộ trưởng nó có vấn đề.

Thực ra nếu đặt kết quả bỏ phiếu này vào trong bối cảnh kinh tế 2 năm liền, 2013 – 2014 nó phát triển, thì chúng ta so sánh lại với cái kết quả bỏ phiếu trước thấy có sự chuyển biến tương đối sát với dịch chuyển kinh tế - xã hội đất nước.

- Có ý kiến của đại biểu cho rằng, trong lần lấy phiếu này, thì chúng ta nên chia sẻ nhiều hơn là đòi hỏi ở các “tư lệnh ngành”. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi nghĩ cách đặt vấn đề như thế cũng hợp lý. Trong một bối cảnh này, nền kinh tế nợ công còn đang cao, bội chi ngân sách còn đang cao, luôn luôn ở trong trạng thái là phải giằng co các khoản chi và ngành nào cũng thấy ngành của mình quan trọng thì việc đấu tranh để có một ngân sách phù hợp với nhiệm vụ luôn rất khó.

- Trở lại câu chuyện của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo… như ông vừa nói, vì quan hệ công chúng kém nên dẫu có nhiều việc làm được nhưng gần như không được ghi nhận. Điều đó có nghĩa các đại biểu Quốc hội đánh giá qua phiếu tín nhiệm thưa thực sự công tâm, thưa ông?

Không phải. Không phải các đại biểu không nhìn nhận mà vấn đề là trước đấy, dư âm của cái tồn tại cũ, những yếu kém của cá nhân y bác, sỹ, điều dưỡng của các bệnh viện, thông qua thông tin đại chúng được đẩy lên quá.

Ở đây chúng ta cũng thấy rằng báo chí có một vai trò rất lớn trong việc thông tin, định hướng dư luận. Nhưng đôi khi, từ một sự việc cụ thể, báo chí đã điển hình hóa nó lên thành ra cứ tràn khắp các mặt báo các sự việc như thế. Chúng ta hay giật tít kiểu “một sản phụ bị chết” “một trẻ sơ sinh bị chết”…, nhưng chúng ta không thấy nỗ lực của các bác sỹ trong việc cứu chữa các bệnh nhận ra sao.

Tất nhiên trong đội ngũ đó, cũng có bác sỹ thế này khác. Nhưng mà đừng điển hình hóa lên quá làm mất hình ảnh của người thầy thuốc.

Xin cảm ơn ông!
Theo vtc

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn