Mặc dù cơ thể bị khiếm khuyết nhưng các Thầy khiến tất cả mọi người phải nghiêng mình cúi chào bởi đức độ, tài năng và ý chí nghị lực phi thường mà ít ai có được.





1. Cổ tích về người Thầy không tay và mù 1 mắt
<center></center><center>Tâm huyết lớn nhất của thầy Khanh Rong là “truyền đạt hết cảm xúc nghệ thuật cho các em học sinh". (Nguồn Internet)</center>
Đó là thầy giáo với cái tên giản dị Khanh Rong (Sóc Trăng). Vụ nổ mìn năm 12 tuổi đã cướp đi 2 bàn tay và 1 đôi mắt của thầy. Với ý chí và nghị lực phi thường, thầy Khanh Rong đã vượt lên tất cả để đăng ký thi vào Trường trung cấp Nghệ thuật Hậu Giang (chuyên ngành hội họa). Vì bị tật nguyền, nên Hiệu trưởng đã cho anh rớt. Không nản chí và bỏ cuộc, thầy lại tiếp tục nộp hồ sơ dự thi tiếp vào năm sau. Lần này, hạnh phúc đã mỉm cười với thầy khi biết tin Khanh Rong đã đỗ thủ khoa.
Sau khi tốt nghiệp, Khanh Rong về làm việc tại Ban văn hóa xã và sau đó được biên chế làm giáo viên chính thức của Trường THCS Thạnh Trị. Suốt 10 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Khanh Rong là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Tâm huyết lớn nhất của thầy là “truyền đạt hết cảm xúc nghệ thuật cho các em học sinh như muốn truyền lửa ước mơ, hoài bão một thời của chính bản thân thầy. Nhờ sự tâm huyết ấy mà nhiều học trò của thầy đã đạt giải cấp huyện, tỉnh, nhiều em còn đến nhà nhờ thầy luyện các môn năng khiếu để thi vào Trường Văn hóa nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
2. Người Thầy khuyết tật xóa mù chữ
<center></center><center>Khi nhìn thấy nhiều em nhỏ trong làng bỏ học vì không có tiền đến trường, thầy Nguyễn Trai quyết định mở lớp học xóa mù chữ miễn phí ngay trong ngôi nhà nhỏ của mình. (Nguồn Internet)</center>
Đó là câu chuyện cổ tích về người thầy Nguyễn Trai đến từ Thừa Thiên Huế. Năm lên 9 tuổi, một cơn bạo bệnh đã khiến đôi chân của thầy bị liệt. Cũng từ đó đến nay, cuộc sống của thầy Trai luôn gắn liền với đôi nạng.Hơn 20 năm nay, lớp học tại gia của thầy đã trở thành nơi xóa mù chữ cho trẻ em nghèo. Lớp học tuy còn thiếu thốn trăm bề nhưng hằng ngày tiếng nói cười vẫn đều đều vang khắp cả vùng quê nghèo khó nơi đây.
Khi nhìn thấy nhiều em nhỏ trong làng bỏ học vì không có tiền đến trường, thầy quyết định mở lớp học xóa mù chữ miễn phí ngay trong ngôi nhà nhỏ của mình. Rồi tiếng lành đồn xa, nhiều em trong làng, trong xã được cha mẹ đưa tới xin thầy học chữ. Ai hỏi học phí thế nào thì thầy lắc đầu và nói: “Lớp học mình mở ra để mong sao các em nhỏ trong thôn có chỗ mà học, mà chơi chứ không phải vì cuộc sống của mình”. Nhưng các bậc phụ huynh ái ngại khi nhìn gia cảnh khó khăn của thầy. Và thế là thay cho học phí là những món quà quê, lúc vài cân gạo mới, khi con gà, con vịt…
3. Thầy giáo hơn 30 năm nằm dạy học
<center></center><center>Hơn 30 năm nay, thầy Thắng vẫn nằm dạy học trên chiếc giường nhỏ bé, đơn sơ. (Nguồn Internet)</center>
Người thầy hơn 30 năm nằm dạy học trên chiếc giường nhỏ bé, đơn sơ đó là thầy Nguyễn Hữu Thắng ở Nam Đàn. Chứng bệnh teo cơ, bại liệt đã khiến cho chàng trai trẻ Hữu Thắng từ bỏ ước mơ được bước chân vào giảng đường Đại học, trở thành 1 thầy giáo dạy Toán. Chính niềm khao khát được đứng trên bục giảng đã giúp thầy vượt qua những nỗi đau về thể xác, lấy lại niềm tin vào cuộc sống để ngày ngày truyền những kiến thức về Toán học cho các em học sinh nghèo tại vùng quê.
Vì tay phải liệt hoàn toàn không thể cầm bút nên thầy quyết tâm tập viết bằng tay trái. Rồi nhờ mẹ đặt chiếc can nhựa hỏng lên giường, dùng hai thanh tre kẹp cuốn vở vào thành can, tay trái cầm bút. Thầy Thắng bắt đầu tập viết những con chữ đầu tiên bằng tay trái với những nhọc nhằn, khó khăn đến đau đớn. Bởi lẽ, những động tác như nghiêng người, cổ và đầu sang phải với thầy dù chỉ là một chút cũng là một cực hình. Xương khớp và các lớp cơ đã nằm bất động hơn 30 năm, giờ chỉ cần một cử động nhẹ có thể khiến chủ nhân lên cơn co giật và đau buốt đến tận xương óc.
Vậy mà, hàng ngày thầy Thắng vẫn nén đau và vật lộn với chiếc can, tập vở và cái bút, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Một lần nữa, nghị lực đã giúp thầy chiến thắng, sau khoảng hai tháng trời quyết chí, thầy đã viết được những con chữ ngay ngắn bằng bàn tay trái.
Các thầy là những tấm gương sáng để cho các thế hệ học trò noi theo. Chính niềm nhiệt huyết yêu nghề cùng với ý chí, nghị lực phi thường đã giúp các thầy lấy lại được niềm tin vào cuộc sống và thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình khiến cho tất cả mọi người đều phải nghiêng mình cúi chào!
Theo Danviet

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn