Nói không ngoa, nhưng sự thật là nhiều bậc phụ huynh phải điên đầu khi con hỏi bài toán. Và mỗi khi con gọi "Bố ơi, bài này làm thế nào" là người cha lại... thót tim.





Toán quá khó!
Nói về độ khó của toán cấp 1, các bậc phụ huynh dễ dàng nhặt ra rất nhiều bài họ nhớ mãi vì hại não không khác gì thi đại học mà đôi khi còn... bó tay. Anh Ngô Văn Tiệp đã phải cầu cứu vì bài toán quá khó của cậu con trai học lớp 3. Đề bài cho dãy số 0,1,3,14,28,45 và điền số thích hợp vào ô trống. Hàng loạt các đáp áp được đưa ra sau khi giải đáp quy luật là 45, 65, 67, 69... Sau tranh cãi một hồi thì mọi người đưa ra "đáp án" cuối cùng là "Tôi không thông minh hơn học sinh lớp 3".
<center></center><center>Bài toán quá khó so với trình độ học sinh lớp 3.</center>
Ngoài ra có thể kể đến nhiều bài toán cấp 1 hóc búa khác như bài toán lớp 1 đưa ra 2 bức tranh, có những hình tam giác và hình vuông số lượng các hình không giống nhau, yêu cầu của bài toán là làm sao để 2 bức tranh bằng nhau hay nối dãy số từ 1 đến 10 được sắp xếp lộn xộn rồi điền số lớn hơn, nhỏ hơn vào các ô đã vẽ sẵn; phân biệt được dấu lớn, bé... Với một đứa trẻ mới biết đơn giản là a, b, c và 1, 2, 3 thì những bài toán như thế này quá sức đối với các em.
Không chỉ có bài toán khó, lại còn có tình trạng sách giáo khoa in sai câu hỏi. Mặc dù chỉ là một lỗi nhỏ trong khâu kiểm duyệt, tuy nhiên lại khiến cho học sinh vô cùng hoang mang vì... sợ cô mắng. Đó là một bài toán sách giáo khoa lớp 2 của NXB Giáo dục Việt Nam.
<center></center><center>Sách giáo khoa in sai câu hỏi.</center>
Cụ thể, trong phần Luyện tập, "Giải bài toán theo tóm tắt sau: Anh 10 tuổi, anh hơn em 5 tuổi. Anh... tuổi?". Thay vì hỏi em bao nhiêu tuổi thì NXB lại in nhầm thành "Anh".
Anh Tuấn, người phát hiện ra lỗi sai này kể thêm về cách giải đối phó của cậu con trai: "Đáp án số tuổi của anh là: 10 - 0 = 10. Bé nhà mình 'tỉnh' lắm. Mình nói cứ làm đi thì con bảo: 'Làm đúng cô mắng, làm sai cũng bị mắng nên quyết định viết ra nháp".
"Con học bài nhưng bố mẹ phải ở bên"
Đó là câu khẳng định của anh Minh Đạt (Hà Đông, Hà Nội). Hầu như ngày nào anh cũng phải ngồi học bài cùng cô con gái học lớp 4. Anh Đạt thú thật, có nhiều bài toán 2 bố con phải vật lộn với nhau mãi: "Công nhận bây giờ các bé thật thông minh vì học chương trình quá khó. Ngay cả người lớn trải qua đại học rồi mà nhiều khi còn nghi ngờ đáp án của môn toán cấp 1. Đôi khi, mình giải xong con không đồng ý bảo cô giáo làm khác cơ. Có lúc 2 cha con còn cãi nhau. Đúng là chương trình cải cách khiến phụ huynh không theo kịp".
<center></center><center>Nếu không tập trung học bài, nhiều trẻ sẽ nhanh chóng tụt lùi so với các bạn.</center>
Vì lý do đó mà tối nào anh cũng túc trực học bài cùng con. "Nếu để con cứ loay hoay giải mãi một bài toán không ra đáp án thì không còn thời gian học môn khác nữa", anh Đạt bày tỏ.
Một phụ huynh khác giấu tên ở Hoàng Mai thì kêu than: "Tôi đã ân hận khi cho con học lớp chọn. Cả ngày đi làm mệt mỏi mà tối về còn dạy con học đến 11h đêm".
Câu chuyện của chị Thanh Bình cũng khiến nhiều người thương cảm. Chị cho biết, theo dõi bé Duy Khiêm học 2 năm nay chị thấy chương trình của con tương đối khó và nặng, nhất là khi gia đình chị sống ở quê. Năm ngoái, con chị mới vừa từ mẫu giáo lên lớp 1 (các cháu học mẫu giáo không được học chữ) thế mà chưa rõ chữ bé đã phải nghe và viết từ. Nhiều bé trong lớp không theo kịp chương trình học.
"Không biết có phải con mình học kém hơn so với các bạn không mà cả ngày học ở lớp, tối về vật vã làm bài tập. Con hầu như không có thời gian chơi. Nếu con học ở trường mà bố mẹ ở nhà không quan tâm thì gần như con không thể làm được bài tập".
Chị Bình chia sẻ thêm về chuyện con học tiếng Anh. Chương trình lớp 2 khác hơn hẳn so với lớp 1. Bên cạnh đó, muốn con học tốt thì phụ huynh phải có máy tính và được cài phần mềm mua bản quyền. "Có phải ai cũng có tiền mua máy tính đâu. Con mình ở quê đúng là thiệt thòi hơn hẳn", chị Bình bức xúc.
Theo Nguoiduatin

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn