Nhận thấy nhiều học sinh còn lẫn lộn văn biểu cảm và văn miêu tả, cô giáo Nguyễn Thị Hương (Trường THCS Lê Quý Đôn - Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã chia sẻ 5 giải pháp giúp học sinh nắm chắc, biết khơi nguồn cảm xúc với thể loại văn này.







Giúp học sinh nắm được khái niệm văn biểu cảm
Nhắc lại khái niệm trong sách giáo khoa: Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc, cô Hương cũng lưu ý, thường những bài văn biểu cảm tập trung biểu đạt một tình cảm chủ yếu.
Tình cảm ấy được bộc lộ trực tiếp thông qua những suy nghĩ, những nỗi niềm, những cảm xúc trong lòng người.
Tuy nhiên trong thực tế, khi viết văn biểu cảm, người ta vẫn thường hay kết hợp sử dụng những phương thức khác như miêu tả, tự sự để bộc lộ thái độ, tình cảm gián tiếp thông qua những đối tượng, những hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ.
Nhưng, khi vận dụng phương thức miêu tả và tự sự vào văn biểu cảm, cần lưu ý: Nếu có tả, không nên tả một cách cụ thể, hoàn chỉnh; có kể thì không kể một cách chi tiết, đầy đủ, rõ ràng.
Người viết văn biểu cảm chỉ chọn những đặc điểm, những sự việc, những thuộc tính nào đó có khả năng gợi cảm để biểu hiện tư tưởng, tình cảm của mình.
Về bố cục, bài văn biểu cảm cũng được tổ chức theo mạch cảm xúc của người viết. Do vậy, trình tự các ý, các phần trong văn biểu cảm thường được sắp xếp rất tự nhiên, không gò bó cứng nhắc.
Về thái độ, tình cảm, phải đảm bảo tính chân thực, trong sáng, rõ ràng, có nghĩa là không được giả dối, sáo rỗng. Có như vậy, văn biểu cảm mới đi vào lòng người.
Cách làm bài văn biểu cảm
Khi làm văn biểu cảm cần đảm bảo 4 bước: Xác định yêu cầu của đề và tìm ý; xây dựng bố cục (dàn bài); hoàn thành văn bản và kiểm tra lại bài.
Với bước xác định yêu cầu của đề và tìm ý: Phải căn cứ vào các từ ngữ và cấu trúc của đề bài để xác định nội dung, tư tưởng, tình cảm mà văn bản sẽ viết cần phải hướng tới. Từ đó đặt câu hỏi để tìm ý (nội dung văn bản sẽ nói về điều gì? Qua đó cần bộc lộ thái độ, tình cảm gì?)
Khi xây dựng bố cục (dàn bài), bố cục của văn biểu cảm cũng bao gồm ba phần: Mở bài - Thân bài - Kết bài. Tuy nhiên, việc sắp xếp ý để tạo thành một bố cục hoàn chỉnh phụ thuộc vào mạch cảm xúc của người viết, không hề máy móc áp đặt một kiểu nào.
Nhưng thuờng phần mở bài và kết bài thường là những câu văn nêu cảm nhận chung hoặc nâng lên thành tư tưởng, tình cảm khái quát. Các ý lớn nhỏ trong phần thân bài phải được sắp xếp hợp với diễn biến tâm lý của con người trước từng sự việc, đối tượng.
Mở bài: Có thể giới thiệu sự vật, cảnh vật trong thời gian và không gian. Cảm xúc ban đầu của mình.
Thân bài: Qua miêu tả, tự sự mà biểu lộ cảm xúc, ý nghĩ một cách cụ thể, chi tiết, sâu sắc.
Kết bài: Kết đọng cảm xúc, ý nghĩ hoặc nâng lên bài học tư tưởng.
Hoàn thành văn bản là bước quan trọng. Trên cơ sở là dàn bài đã xây dựng, người viết triển khai thành bài văn hoàn chỉnh.
Cô Hương lưu ý là trong quá trình diễn đạt phải biết kết hợp với các phương thức biểu đạt khác (miêu tả, tự sự, nghị luận); đồng thời phải biết sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc (so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, điệp ngữ, nói quá…).
Câu văn có sự biến hóa linh hoạt (có câu trần thuật, câu cảm, câu nghi vấn, câu cầu khiến; câu dài, câu ngắn; có câu tỉnh lược, câu câu tồn tại…). Lời văn phải có cảm xúc với vốn từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm.
Bước kiểm tra lại bài: Ngoài việc kiểm tra cách diễn đạt, sửa lỗi cần phải kiểm tra lại xem văn bản đã toát lên tư tưởng, tình cảm chính chưa, hoặc đã tạo được sự xúc động cho người đọc chưa.
Nắm cách lập ý trong văn biểu cảm
Để giúp học sinh nắm vững cách lập ý trong văn biểu cảm, cô Hương cho rằng, giáo viên cần cung cấp cho học sinh các nội dung sau:
Liên hệ hiện tại với tương lai: Là hình thức dùng trí tưởng tượng để liên tưởng tới tương lai, mượn hình ảnh tương lai để khơi gợi cảm xúc về đối tượng biểu cảm trong hiện tại. Cách biểu cảm này tạo nên mối liên hệ và tương lai.
Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ hiện tại: Là hình thức liên tưởng tới những kí ức trong quá khứ, gợi sống dậy những kỉ niệm để từ đó suy nghĩ về hiện tại.
Đây cũng là hình thức lấy quá khứ soi cho hiện tại khiến cho cảm xúc của con người trở nên sâu lắng hơn. Cách biểu cảm này sẽ tạo nên mối liên hệ gắn kết rất tự nhiên và nhuần nhuyễn giữa hiện tại và quá khứ.
Tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước: Là hình thức liên tưởng phong phú, từ những hình ảnh thực đang hiện hữu để đặt ra các tình huống và gửi gắm vào đó những suy nghĩ và cảm xúc về đối tượng biểu cảm cũng như những ước mơ hi vọng. Cách biểu cảm này đòi hỏi người viết văn biểu cảm phải có trí tưởng tượng phong phú.
Quan sát, suy ngẫm: Là hình thức liên tưởng dựa trên sự quan sát những hình ảnh đang hiện hữu trước mắt để có những suy ngẫm về đối tượng biểu cảm . Cách lập ý thường tạo nên những cảm xúc chân thực, sâu sắc.
Đưa yếu tố miêu tả và tự sự trong văn biểu cảm
Đối tượng biểu cảm trong một bài văn biểu cảm là cảnh vật, con người và sự việc; không có sự biểu cảm chung chung. Cái gì, vật gì, việc gì… làm ta xúc động? Vì thế muốn bày tỏ tình cảm, muốn bộc lộ cảm xúc người viết phải thông qua miêu tả và tự sự.
Nhưng cần lưu ý, trong bài văn biểu cảm, tự sự và miêu tả chỉ là phương tiện, là yếu tố để qua đó, người viết gửi gắm cảm xúc và ý nghĩ.
Cách biểu cảm về tác phẩm văn học
Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học (bài văn, bài thơ) là trình bày những cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, suy ngẫm của mình về nội dung và hình thức của tác phẩm đó.
Để làm một bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học, cô Hương cho rằng, trước hết phải đọc bài văn, bài thơ… một vài lần, rút ra ấn tượng ban đầu; đọc lần nữa để để phát hiện ra giọng điệu, chủ đề, những tư tưởng, tình cảm cao đẹp, ngôn ngữ nghệ thuật… mà tác giả đã diễn tả rất hay, gây cho mình nhiều ấn tượng.
Sau đó, gạch chân, đánh dấu các chi tiết nghệ thuật, các hình ảnh, các câu thơ, câu văn hay nhất mà mình yêu thích nhất rồi làm dàn bài, dựng đoạn; viết bài và chỉnh sửa.
Bố cục bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học cũng gồm 3 phần.
Phần mở đầu: Có thể giới thiệu một vài nét về tác phẩm; nêu lên ấn tượng sâu sắc nhất, khái quát nhất của mình khi đọc, khi xem tác phẩm ấy. Mở bài hay nhất được hai yêu cầu: Tính khái quát và tính định hướng.
Phần thân bài: Lần lượt nêu lên những cảm nghĩ của riêng mình về những khía cạnh của tác phẩm. Không lan man dàn đều mà nên xoáy sâu vào các trọng tâm, trọng điểm. Phải đi từ “a” qua “b,c”…. nhớ liên kết đoạn.
Phần kết bài: Nêu lên cảm nghĩ chung, có thể đánh giá và liên hệ. Tránh dài dòng, trùng lặp và đơn điệu.
Cô Hương cũng lưu ý: Phát biểu cảm nghĩ không thể nói chung chung mà phải rất cụ thể, phải chỉ ra được yêu thích, thú vị ở chỗ nào. Nghĩa là phải phân tích và trích dẫn.
Cùng với đó, có lúc phải khen, chê. Nhưng khen, chê phả trên cơ sở yếu tố nghệ thuật chứ không phải tùy tiện. Giáo viên qua các bài giảng cụ thể, qua việc hướng dẫn đọc sách… sẽ giúp học sinh dần dần bình văn, biến thành kĩ năng, kĩ xảo. Lúc nào viết được lời bình hay, sâu sắc thì bài phát biểu cảm nghĩ mới thực sự mang vẻ đẹp trí tuệ.
Bên cạnh khen, chê, có lúc phải biết liên tưởng, so sánh. Có thể liên tưởng, so sánh về hình ảnh, chi tiết nghệ thuật, sử dụng từ, biện pháp tu từ, hình tượng nhân vật… trong cùng một tác giả hoặc giữa các tác giả có mối liên hệ với nhau.
"Tuy nhiên, để nắm vững và củng cố tri thức, kĩ năng về văn biểu cảm, không phải chỉ biết, hiểu, học thuộc lòng mà quan trọng hơn là phải biết làm - biết thực hành - biết sáng tạo.
Việc thực hành, luyện tập cần thường xuyên, liên tục; phải được kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm; phải có yêu cầu, nghiêm túc song cũng cần phải động viên, khích lệ" - Cô Hương lưu ý thêm.
Theo Giaoducthoidai

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn