Khẳng định kỹ năng xã hội mang lại nhiều lợi ích phát triển cá nhân cho trẻ khuyết tật trí tuệ, ThS Nguyễn Văn Hưng - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc trang bị kỹ năng này cho đối tượng trên có thể cần được ưu tiên hơn là các kiến thức văn hóa.






Giáo dục kỹ năng xã hội chưa được đặt đúng tầm
Theo ThS Nguyễn Văn Hưng, giáo dục kỹ năng xã hội cho học sinh đầu tuổi tiểu học trong các trường tiểu học hòa nhập không được thực hiện qua một chương trình giáo dục riêng mà chủ yếu được lồng ghép trong nội quy trường lớp và được thực hiện qua mục tiêu rèn luyện hạnh kiểm đạo đức cho học sinh.
Một số nội dung giáo dục kỹ năng xã hội được lồng ghép trong một số bài học của các môn như Đạo Đức và Tự nhiên & Xã hội.
Thực tế, trong các trường học, giờ học Đạo đức chỉ chiếm chưa đến 4% thời lượng các môn học, trong khi vấn đề rèn đạo đức, rèn người lại quan trọng hàng đầu.
Mặt khác, nội dung các môn học này lại thiên về cung cấp những hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội cho học sinh, do đó, mội dung các môn học chưa bao quát hết những nội dung giáo dục kỹ năng xã hội cần hình thành và phát triển cho lứa tuổi đầu tiểu học nói chung và học sinh khuyết tật trí tuệ nói riêng.
Đồng thời, cũng chưa tập trung chú ý tới việc hướng dẫn, rèn luyện thói quen thực hiện các kỹ năng xã hội cho học sinh khuyết tật trí tuệ.
“Đã đến lúc thay vì dạy học sinh những bài học kỹ năng xa vời, các trường tiểu học nói chung và trường hòa nhập nói riền cần giáo dục các em những kỹ năng để thích ứng với những tình huống trong thực tế, hay giáo dục về các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội.
Cần tìm ra các hình thức sinh hoạt hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh” - ThS Nguyễn Văn Hưng khuyến nghị.
Tại các trường chuyên biệt, trẻ cũng được học các kỹ năng đọc, viết và làm toán để có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày; tuy nhiên, một số trẻ chỉ có thể học được một phần nào đó của các kỹ năng này; thậm chí có trẻ hoàn toàn không có khả năng học các kỹ năng đó.
Nhưng riêng việc học kỹ năng xã hội cơ bản lại cần thiết và quan trọng hơn cho bản thân học sinh khuyết tật trí tuệ.
Do đó, ThS Nguyễn Văn Hưng đề nghị chương trình giáo dục theo hình thức chuyên biệt phải mang tính “chức năng”; chủ yếu tập trung vào dạy kỹ năng sống và kỹ năng xã hôi cho trẻ nhằm hình thành khả năng sống càng độc lập càng tốt, giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng và xã hội.
3 kỹ năng cần tập trung cho trẻ khuyết tật trí tuệ
ThS Nguyễn Văn Hưng cho biết, Bộ GD&ĐT đã có quyết định số 5715 ban hành Chương trình giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật cấp tiểu học.
Chương trình này do Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) tiến hành biên soạn và thử nghiệm chương trình 7 năm bậc tiểu học cho trẻ khuyết tật trí tuệ.
Trong đó, chú trọng và tập trung chủ yếu vào 3 phân môn nhằm hình thành, phát triển các kỹ năng cần thiết cho trẻ, đó là: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ và kỹ năng xã hội.
Khi đề cập đến chương trình này, ThS Nguyễn Văn Hưng đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng các phương pháp giảng dạy môn kỹ năng xã hội cho học sinh khuyết tật trí tuệ.
Theo đó, phương pháp đòi hỏi phải linh hoạt, đa dạng, chú trọng thiết kế các bài tập, hoạt động, các trò chơi đóng vai để học sinh thực hành, từ đó phát triển kỹ năng xã hội cho bản thân.
Giáo viên tạo ra các tình huống có vấn đề để học sinh phát hiện và đưa ra những thắc mắc, từ đó biết cách giải quyết những mâu thuẫn đơn giản trong cuộc sống;
Thường xuyên cho học sinh học tập tại cộng đồng, tận dụng tối đa những ngữ cảnh thực để học sinh được tham gia, trải nghiệm và tìm tòi những điều cần thiết cho bản thân;
Cùng với đó, lưu ý dạy học gắn với thực tiễn, tạo điều kiện để học sinh thực hiện các kỹ năng được học qua nhiều tình huống, môi trường khác nhau; kết hợp hài hòa giữa trang bị kiến thức với bồi dưỡng tình cảm nhằm hình thành kỹ năng cho học sinh khuyết tật trí tuệ;
Sử dụng linh hoạt các hình thức dạy học cá nhân, nhóm nhỏ và nhóm lớn. Đồng thời, sử dụng các biện pháp khen thưởng thích hợp nhằm phát triển và củng cố kỹ năng của học sinh một cách linh hoạt.
Việc đánh giá học sinh khuyết tật trí tuệ được thực hiện theo kế hoạch giáo dục cá nhân; toàn diện về các mặt thái độ, hành vi và trong nhiều môi trường. Các hình thức đánh giá có thể bằng vấn đáp, trắc nghiệm, quan sát.
Đặc biệt lưu ý, đánh giá theo mức độ thực hiện kỹ năng chứ không bằng điểm số. Giáo viên chuẩn bị những bài kiểm tra đơn giản để đánh giá trình độ nhận thức của học sinh; cũng có thể cho học sinh tự đánh giá về cách thực hiện các kỹ năng của mình.
Theo Giaoducthoidai

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn