Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum - cho biết đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp huyện ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên trong việc dạy thêm, học thêm.






Ảnh minh họa

Văn bản cũng có nội dung phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan và UBND xã, phường, thị trấn trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường, cá nhân vi phạm Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
<center></center>
Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum
Theo ông Nguyễn Sỹ Thư, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum đã nhanh chóng yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học thuộc quyền quản lý và Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực hành Sư phạm tổ chức quán triệt đến từng giáo viên nghiêm túc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT;
Quán triệt Quyết định của UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn và quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học để mọi người hiểu rõ và làm đúng quy định.
Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, giải thích để nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh nắm vững các quy định của ngành về dạy thêm, học thêm và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để tạo sự đồng thuận và phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực và triển khai tốt đổi mới ở bậc học tiểu học.
Chúng tôi cũng nêu rõ, các trường tiểu học, nhất là các trường trên địa bàn thành phố Kon Tum, các trường ở thị trấn các huyện tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm, học thêm ở nhà cho học sinh tiểu học.
Đồng thời, thành lập và phân công các tổ, nhóm giáo viên đi kiểm tra chéo lẫn nhau; tăng cường nắm tình hình dạy thêm, học thêm qua kênh thông tin từ học sinh, cha mẹ học sinh bằng phiếu thăm dò…
Ông Nguyễn Sỹ Thư
Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, Sở yêu cầu hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; tăng cường tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống… nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp.
Riêng những trường ở vùng khó khăn, trường có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cần lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tăng cường tiếng Việt bằng nhiều hình thức, đa dạng và phong phú để học sinh có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt.
Trường ở vùng khó khăn, trường có đông học sinh DTTS, trong điều kiện không thể dạy học tăng buổi trong tuần hoặc 2 buổi/ngày, các trường có thể điều chỉnh giảm nội dung, thời lượng dạy học các môn học khác để tập trung dạy họctiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh lớp 1.
Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.
Nhấn mạnh việc không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học, ông Nguyễn Sỹ Thư cũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học khuyến khích và tạo điều kiện cho cá nhân học sinh tham gia các hoạt động giao lưu nhằm phát triển năng lực học sinh về các lĩnh vực giáo dục như:
Giao lưu tiếng Việt cho học sinh DTTS; liên hoan tiếng hát dân ca; giao lưu tìm hiểu An toàn giao thông; các hoạt động giao lưu tiếng Anh cho giáo viên và học sinh ở các địa phương…
Lưu ý, việc tham gia phải trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của nhà trường, phụ huynh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và nội dung học tập của học sinh tiểu học; không được thành lập đội tuyển, không được tổ chức ôn luyện, tập huấn gây áp lực và căng thẳng cho học sinh.
Đặc biệt, không lấy thành tích của các hoạt động giao lưu nêu trên làm tiêu chí để xếp loại thi đua đối với các đơn vị có học sinh tham gia.
"Chúng tôi cũng đã có những lưu ý đối với học sinh tiểu học khi tham gia cuộc thi giải toán qua Internet và Olympic tiếng Anh trên internet. Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao học sinh từ lớp dưới lên lớp trên, từ tiểu học lên THCS.
Đồng thời, đưa ra thời gian cụ thể báo cáo nhanh công tác thanh, kiểm tra việc dạy thêm học thêm của đơn vị trước ngày 30/11/2014 và cuối học kỳ 1, cuối học kỳ 2 năm học 2014 - 2015 về Sở GD&ĐT" - Ông Nguyễn Sỹ Thư cho biết thêm.
Theo Giaoducthoidai

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn