Liên quan đến nghi án Công ty Bio-Rad Laboratories của Mỹ (gọi tắt là Công ty Bio-Rad) hối lộ 2,2 triệu USD cho quan chức y tế Việt Nam, ngày 10-11, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế, cho biết cơ quan này đang xác định các công ty có đơn hàng xin cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế từ Bio-Rad. Đây sẽ là đầu mối để tìm ra các công ty trung gian, qua đó xác minh thiết bị đưa vào đâu, có hay không các khoản chi bất hợp lý.





Theo ông Tuấn, qua rà soát trong giai đoạn 2011-2013, cơ quan chức năng đã phát hiện 6 công ty có đơn hàng nhập khẩu thiết bị từ Công ty Bio-Rad. Tuy nhiên, chưa có công ty nào chủ động báo cáo lên Bộ Y tế về các vấn đề liên quan đến hoạt động nhập khẩu thiết bị từ Bio-Rad. Bộ Y tế đang rà soát theo hướng các thiết bị này nhập về theo diện hàng viện trợ, đấu thầu hay hợp đồng đặt máy.


Có 3 bệnh viện tuyến trung ương sử dụng thiết bị của Bio-Rad (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Ông Tuấn cho biết dù Bộ Y tế đã yêu cầu nhưng đến chiều 10-11, vẫn chưa có cơ sở y tế nào báo cáo chính thức về việc sử dụng thiết bị của Bio-Rad như nguồn cung cấp, tính năng, giá của thiết bị tại thời điểm mua sắm, đấu thầu. Theo thông tin chưa chính thức, 3 bệnh viện: Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã và đang sử dụng thiết bị của Bio-Rad.
Khoảng cuối năm 2013, Công ty Bio-Rad ở Singapore có văn bản gửi các khách hàng tại Việt Nam và Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế thông báo họ không chịu trách nhiệm về công ty trung gian ở Việt Nam. Ngay sau đó, vụ đã có văn bản gửi các bệnh viện, thông báo ngừng cấp phép nhập khẩu thiết bị của Bio-Rad vào Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, thiết bị y tế của Bio-Rad có thể được đưa vào bệnh viện theo nhiều nguồn khác nhau, như: viện trợ, đấu thầu từ ngân sách, nguồn vốn vay hoặc xã hội hóa. Với hình thức xã hội hóa, công ty đặt máy xét nghiệm ở bệnh viện, cùng khai thác; sau khi trừ các chi phí, khoản “lợi nhuận” được chia theo thỏa thuận.
Theo nld

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn