Dù ngành y tế, giáo dục hay ngân hàng đang có nhiều vấn đề “nóng” được cử tri cả nước quan tâm song 3 vị tư lệnh ngành y tế, giáo dục và ngân hàng sẽ không nằm trong danh sách chất vấn kỳ này.





Bên hành lang Quốc hội chiều 10/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, 4 vị tư lệnh ngành sẽ đăng đàn chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này là: Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động thương binh & xã hội và Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, Thủ tướng cũng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.









Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi từ phía các ĐBQH nhất



Thưa ông, tới thời điểm này Quốc hội đã “chốt” danh sách 4 vị Bộ trưởng sẽ đăng đàn chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này hay chưa?
Sau khi đưa danh sách 5 vị Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn xin ý kiến các ĐBQH, thì hầu hết các ĐB đã chọn chất vấn 4 vị Bộ trưởng ngành, đó là Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh & xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn vấn đề liên quan tới nội dung vì sao dừng triển khai Nghị định 136/2013 của Chính phủ về chính sách xã hội đối với các đơn vị bảo trợ xã hội.
Thưa ông, trong danh sách 4 vị Bộ trưởng sẽ đăng đàn chất vấn và trả lời chất vấn thì không có tên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Y tế. Tại sao 2 ngành này đang có nhiều vấn đề nóng nhưng lại không nằm trong danh sách các Bộ trưởng sẽ được chất vấn tại kỳ họp này?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận đã được các ĐBQH chất vấn trong kỳ họp thứ 7 vừa rồi, ở kỳ họp thứ 8 thì Bộ trưởng Luận vẫn còn trong quá trình thực hiện các giải pháp đưa ra tại phiên chất vấn kỳ trước.
Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có giải trình tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới cách đây vài tháng thôi.
Theo kết quả phiếu thăm dò lấy ý kiến của ĐBQH thì tỷ lệ ĐBQH muốn chất vấn 2 vị tư lệnh ngành này không cao như các Bộ trưởng khác.
Cũng có câu hỏi liên quan tới ngành ngân hàng, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa trả lời tại phiên họp chất vấn lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên ý kiến hỏi không nhiều bằng các bộ trưởng khác.










Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không nằm trong danh sách chất vấn
Ảnh: Dân trí




Vậy trong số các vị tư lệnh ngành thì bộ trưởng nào nhận được nhiều ý kiến từ các ĐBQH nhất?
Theo danh sách 5 vị bộ trưởng mà chúng tôi gửi các ĐBQH để “chốt” lấy danh sách 4 vị sẽ chất vấn và trả lời chất vấn thì Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn từ phía ĐBQH nhất. Còn tỷ lệ thấp nhất là Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân, dù vị tư lệnh ngành này chưa đăng đàn trả lời chất vấn lần nào.
Cùng thuộc nhóm các vị chưa được đăng đàn trong khoá này nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử thực tế lại chưa nhận chất vấn nào của đại biểu nên chưa được đề xuất chọn.
Vậy nội dung mà các ĐBQH quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là gì, thưa ông?
Hai nội dung nổi cộm nhất mà các ĐBQH quan tâm và muốn đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Hoàng là thực trạng và giải pháp liên quan tới công nghiệp hỗ trợ. Nội dung thứ 2 là giải pháp chống hàng giả, chống buôn lậu hiệu quả.
Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng được đặt nhiều câu hỏi về các nội dung gì, thưa ông?
Với lĩnh vực giao thông thì có nhiều nội dung, trong đó nội dung ĐBQH quan tâm tới là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, các địa phương trong việc giảm tải tai nạn giao thông xuống, vì theo báo cáo của Quốc hội thì hiện tỷ lệ này vẫn còn cao. Ngoài ra, một số nội dung khác mà ĐB quan tâm liên quan tới đột phá cơ sở hạ tầng giao thông, quản lý đường bộ… Trong các câu hỏi cũng chưa có ý kiến nào hỏi Bộ trưởng Thăng về sân bay Long Thành. Đây mới là kỳ họp đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về sân bay Long Thành, tới kỳ họp sau mới cho ý kiến quyết định chính thức
Bên cạnh đó, trong quá trình trả lời chất vấn của 4 vị Bộ trưởng thì các vị Bộ trưởng khác liên quan cũng sẽ đăng đàn trả lời thêm.
Sau khi các Bộ trưởng trả lời xong, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có báo cáo thêm nội dung làm rõ nội dung chất vấn của các bộ trưởng trước Quốc hội và trả lời chất vấn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chất vấn và trả lời chất vấn nên tiến hành trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Quan điểm của ông ra sao?
Lấy phiếu tín niệm là đánh giá từ cuộc lấy phiếu kỳ họp trước cho tới kỳ họp lần này, ngoài các bộ trưởng ngành thì còn thành viên Chính phủ. Do đó, nếu lấy phiếu trước thì các vị tư lệnh ngành đăng đàn chất vấn sẽ bị áp lực, không công bằng. Cho nên chúng tôi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trước và chất vấn, trả lời chất vấn sau.
Kỳ họp lần này phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng có điểm gì mới so với kỳ trước, thưa ông?
Thời gian phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ kéo dài thêm 1 buổi, nghĩa là trước đây thời gian là 2,5 ngày thì kỳ này sẽ là 3 ngày. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 1 buổi sáng để nghe Chính phủ báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết của Quốc hội của các vị bộ trưởng từ đầu tới giờ. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận lại những nội dung liên quan thực hiện ý kiến chất vấn của Chính phủ.
Với tư cách là ĐBQH ông sẽ chất vấn vị bộ trưởng nào và về nội dung gì?
Không chỉ riêng cá nhân tôi mà bất kỳ vị ĐBQH nào muốn chất vấn thì cũng có sự chuẩn bị riêng. Ngoài chất vấn trực tiếp trên hội trường thì các ĐB cũng gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản gửi tới các bộ trưởng để các tư lệnh ngành có thời gian chuẩn bị nội dung trả lời kỹ càng nhất, thấu đáo nhất.
Theo infonet

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn