Một tin vừa vui vừa buồn cho những con dân làng nhậu, giá món uống quen thuộc mỗi buổi chiều của các bạn sẽ tăng giá. Tương lai, mỗi năm rượu, bia sẽ tăng giá thêm khoảng 10%. Còn các con dân nghiện khói thuốc lá cũng sẽ nhận tin không vui cho túi tiền nhưng sẽ rất vui cho sức khỏe. Đó là thuốc lá sẽ tăng giá. Và nếu Quốc hội thuận theo đề nghị của Bộ Y tế, chỉ hai năm nữa, giá thuốc lá sẽ tăng gấp đôi.






Những hậu quả kinh hoàng của rượu, bia, thuốc lá

Một thông tin đã được nhiều người biết đến là, mỗi năm người Việt tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia và gần 68 triệu lít rượu. Sử dụng rượu bia đã trở thành một thói quen phổ biến đối với không ít đàn ông, khi trên 70% đàn ông Việt Nam thường xuyên sử dụng rượu bia. Chính thói quen thường xuyên sử dụng rượu bia đang khiến Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia đứng hàng đầu khu vực, kèm với đó là những hậu quả, tác hại của rượu bia gây ra cho sức khỏe người dân và cộng đồng. Bởi lẽ, những người thường xuyên sử dụng rượu bia rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng bản thân như ung thư, xơ gan, viêm gan… Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam.

Một số nghiên cứu của WHO khi tiến hành trên hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam cũng cho thấy, 36% người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% lái xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Thuốc lá cũng kinh hoàng không kém. Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, tại Việt Nam, lượng tiêu thụ thuốc lá bình quân một năm tăng rất nhanh từ 2 tỷ bao lên hơn trên 5 tỷ bao. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới trưởng thành ở Việt Nam vẫn còn cao (47,4%), tương ứng với 15 triệu nam giới hút thuốc.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi đến hơn 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm phải chi thêm 23.000 tỷ đồng để chữa bệnh liên quan đến thuốc lá. Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá rất lớn, không chỉ với bản thân người hút mà cả những người hút thụ động. Nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu lẽ ra có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc lá chứa hơn 4000 loại hóa chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Ước tính, mỗi năm, Việt Nam có khoảng từ 66.000 đến 76.000 người tử vong vì thuốc lá, chưa kể những người hít khói thuốc thụ động.

Đó là thông tin, có thể nói, quá phổ biến, gần như mọi người đều biết. Tuy nhiên, lượng người hút thuốc vẫn tăng. Có thể thấy ngay nếu mọi người đến thăm Bệnh viện K Hà Nội, cơ sở điều trị ung thư lớn nhất Việt Nam. Tại vườn hoa trung tâm của Viện, giữa những bệnh nhân đang chờ khám, đang chờ điều trị nằm ngả nghiêng là những người nhà mặt đăm chiêu nhưng vẫn thản nhiên hút thuốc, phả khói trắng cả khu vực.

Tăng thuế có thể giảm tiêu thụ?

Tổ chức Y tế thế giới đã tổng kết, một trong những phương cách tốt nhất để hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu, bia là tăng thuế. Khi tăng thuế, giá bán lẻ các mặt hàng trên sẽ tăng, gây khó khăn cho người tiêu thụ. Với người đang hút thuốc, sử dụng rượu, bia, không hẳn giá đắt lên họ sẽ bỏ, vì bỏ thuốc lá rất khó, cũng như rất khó bỏ thói quen dùng rượu bia. Tuy nhiên, với người chưa hút hoặc mới hút thì việc tăng thuế, tăng giá sẽ có tác động mạnh, làm cho họ không muốn sử dụng. Theo kinh nghiệm tại Mỹ và một số nước phát triển, hàng tiêu dùng kể cả bia tăng giá 20% thì sẽ giảm lượng tiêu thụ ngay lập tức từ 5 - 10%. Vì vậy, nếu tăng thuế 100% thì lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam sẽ giảm tối thiểu 30%. Theo đó, thuế cao là biện pháp tốt nhất lúc này để vừa thu ngân sách vừa để giảm nhu cầu tiêu dùng.

Đối với thuốc lá tình tình cũng tương tự. Theo Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, hiện thuế của Việt Nam chỉ chiếm 41% trên giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng). So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất, chỉ cao hơn Campuchia. Thuế thấp nên giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận và nhanh chóng trở thành người nghiện.Việt Nam là do mức thuế thấp, nên một bao thuốc lá chỉ tương đương một lít sữa; trong khi đó ở thế giới một bao thuốc lá tương đương 4 lít sữa. Ở Ý, hiện nay, giá một bao thuốc lá trung bình lên tới 9 USD, trong khi đó ở Việt Nam giá một bao thuốc trung bình chưa tới 1 USD.

Bà Phan Thị Hải - Phó Chánh Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH) - Bộ Y tế cho biết, kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và WHO đều chỉ ra rằng, thuế là biện pháp quan trọng nhất, có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Chính vì vậy, nói không với rượu bia, thuốc lá, tăng thuế thu nhập đặc biệt với những loại mặt hàng hóa này để cảnh báo người dân khi tiêu dùng, điều chỉnh thuế suất… là quan điểm của Chính phủ khi trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các luật thuế. Theo đề nghị của Chính phủ, để hạn chế sử dụng rượu, bia, Chính phủ đề nghị tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu: Rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (tăng 15%); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%). Đối với bia: từ ngày 1-7-2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1-1-2017 tăng lên 60%; từ ngày 1-1-2018 tăng lên 65%. Với mặt hàng thuốc lá, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng giá bán với mặt hàng này là đương nhiên.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nếu theo đúng lộ trình tăng thuế, phải đến năm 2020, Việt Nam mới đạt được tỷ lệ thu thuế với mặt hàng thuốc lá là 145% như cam kết. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, Chính phủ chỉ đề nghị tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá lên 70% đến 1-1-2016. Tuy nhiên trong phiên thảo luận về Luật này ngày 4-11, nhiều đại biểu Quốc hội và nhiều chuyên gia đề xuất mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% vào năm 2018. Mức thuế này mới đảm bảo giá bán lẻ thực tế tăng cao hơn mức tăng thu nhập, kéo theo sức mua sẽ giảm đi.

Tăng giá có gia tăng buôn lậu, giảm thu ngân sách

Cả nước hiện có 17 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu với diện tích trồng thuốc lá gần 16.000 ha; có gần 20.000 lao động làm việc trong ngành công nghiệp thuốc lá và gần 220.000 lao động nông nghiệp trong sản xuất nguyên liệu. Tổng sản lượng của toàn ngành thuốc lá có xu hướng tăng nhanh trong khoảng 10 năm gần đây. Năm 2000, sản lượng đạt khoảng 2,7 tỷ bao, con số này đã tăng lên khoảng trên 4 tỷ bao năm 2007, khoảng 4,8 tỷ bao năm 2009 và 5,2 tỷ bao năm 2010. Ngành thuốc lá đóng góp cho ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, riêng thuốc lá nhập lậu đã gây thất thu thuế khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.

Có đại biểu Quốc hội, cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thuốc lá cho rằng, việc tăng thuế, dẫn đến tăng giá có thể dẫn đến những cơn sóng nhập lậu thuốc lá, không chỉ gây thiệt hại cho ngành sản xuất thuốc lá mà còn gây thất thu ngân sách. Không ít lãnh đạo các doanh nghiệp rượu bia cũng có ý kiến rằng hiện nay, riêng ngành rượu bia đã chịu 8 sắc thuế, giá bia rượu đã cao hơn giá khu vực. Nếu chúng ta tiếp tục tăng thuế, ngoài việc làm gia tăng buôn lậu, còn có thể dẫn đến tình trạng nhiều người lao động sẽ uống rượu lậu, bia cỏ có nhiều độc tố. Một hành động để bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng tác động lại ngược lại. Tuy nhiên, cũng trong phiên thảo luận ngày 4-11, nhiều đại biểu cho rằng lý giải như vậy là chưa thuyết phục. Ngay cả lý giải tăng thuế thuốc lá, rượu, bia, làm ảnh hưởng tới bộ phận doanh nghiệp và người lao động tham gia quy trình sản xuất thuốc lá, rượu, bia cũng chưa thuyết phục, bởi mục tiêu của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là để định hướng người tiêu dùng giảm dần những mặt hàng mà Nhà nước không khuyến khích, chứ không chỉ nhằm tới mục tiêu thu ngân sách. Do vậy, đại biểu đề xuất, cần phải tiếp tục tăng thuế với mặt hàng thuốc lá để đến năm 2018 có thể đạt được mức thuế hơn 90%, tăng thuế rượu, bia theo đúng lộ trình Chính phủ đề nghị.

Cũng cần lưu ý, khi tăng giá các mặt hàng không khuyến khích tiêu thụ, chúng ta cũng đã trao thêm cho những kẻ buôn lậu cơ hội gia tăng hoạt động. Chính vì vậy, đi cùng lộ trình tăng giá cần phải có giải pháp đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành để chống buôn lậu.
Theo annd

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn