Kết quả khảo sát của BV Phụ sản Trung ương năm 2010 cho thấy, có đến 72% phụ nữ mang bầu bị viêm nhiễm phụ khoa. Đặc biệt, tỷ lệ viêm nhiễm kết hợp chiếm khá cao. Nhưng, rất ít thai phụ chú ý đến điều đó.





Khi mang thai, cơ thể chị em có những thay đổi rõ rệt. Các nội tiết tố trong thay đổi, kéo theo sự thay đổi về hoạt động và chức năng của cơ quan sinh sản. Âm đạo tiết dịch nhiều hơn. Môi trường ẩm ướt trong âm đạo là điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và phát triển của vi khuẩn và nấm, gây nên các bệnh phụ khoa thường gặp như: ngứa, viêm nhiễm, nhiễm trùng... Do vậy, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Nguy cơ cho thai nhi
BS Tuyết Lan (BV Phụ sản Trung ương) cho biết, viêm nhiễm khi mang thai làm gia tăng các nguy cơ đối với thai nhi như: nhiễm khuẩn ối, sẩy thai, đẻ non... nên thai phụ không thể xem thường bệnh này. Lúc mang bầu, màng ối có tác dụng che chở, bảo vệ thai nhi, không cho vi khuẩn xâm nhập vào buồng tử cung. Thai phụ bị viêm nhiễm đường sinh dục sẽ gây viêm màng ối, khiến nó mỏng hơn, có thể bị vỡ trong bất cứ giai đoạn nào. Màng ối vỡ, nguy cơ bị nhiễm trùng ối cao, thai nhi sẽ không được bảo vệ, nguy hiểm cả cho mẹ và bé. Nhất là vỡ ối non, sẽ rất khó cứu sống vì thai nhi còn non tháng.
Biểu hiện viêm nhiễm
- Ra khí hư nhiều, bất thường (thường có màu trắng, vàng kèm mùi hôi).
- Ngứa, đau, rát, có mụn, lở loét ở vùng âm hộ - âm đạo (thường gặp ở thai phụ bị sủi mào gà).
- Cảm giác nóng rát khi tiểu hoặc đau khi giao hợp.
Điều trị thế nào
BS Lan cũng lưu ý thêm, nếu thai phụ đã có những biểu hiện viêm nhiễm, nhất thiết phải đi khám phụ khoa để BS xét nghiệm tìm nguyên nhân và kê đơn thích hợp. Việc dùng thuốc phải theo đúng chỉ dẫn để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Ngoài cách điều trị theo hướng dẫn, bệnh có thể giảm bớt qua áp dụng cách sau: Rửa âm đạo bằng nước muối loãng hoặc nước chè xanh, nước lá trầu không. Nước muối phải thật loãng và chỉ rửa bên ngoài, không ngâm và thụt rửa sâu tránh viêm nhiễm hơn. Nước chè xanh và nước trầu không cũng không nên đặc quá, phải rửa sạch lá trước khi đun.
Cách chăm sóc
* Vệ sinh: Rửa vùng kín bằng nước sạch (đun sôi để nguội) hoặc dung dịch chuyên biệt. Dùng gáo hay ca múc nước dội ra tay để rửa, không ngồi vào chậu hoặc dùng vòi hoa sen. Chỉ rửa vùng âm hộ và tầng sinh môn, không cho tay vào trong sâu. Hạn chế dùng băng vệ sinh hằng ngày vì dễ viêm nhiễm nặng hơn.

* Quần chip: Tránh mặc đồ lót chật, bó sát, ẩm ướt và nên thay thường xuyên. Quần lót phải thoáng, mềm, chất liệu cotton, dễ thấm nước. Khi thay, phải giặt ngay, không ngâm và giặt chung với đồ của người khác. Giặt xong, phơi khô ngoài nắng.
* Đối với chồng: Nếu chồng bị viêm nhiễm đường sinh dục, cần điều khị khỏi hẳn mới được quan hệ và vợ chồng phải vệ sinh sạch sẽ trước khi “yêu”.
* Ăn uống: Chế độ ăn uống cân bằng, giảm đường và các thực phẩm ngọt, uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ. Nên ăn nhiều tỏi vì tỏi chứa nhiều chất allicin và các hoạt chất lưu huỳnh có tác dụng diệt khuẩn và làm ức chế quá trình sinh sôi, phát triển của chúng. Ăn sữa chua thường xuyên sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch vì nó chứa chất kháng viêm tự nhiên.
Tường Lâm (Tạp Chí Bầu)



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn