3 tháng đầu là thời kỳ phát triển quan trọng của thai nhi. Nếu như thai nhi hay người mẹ có vấn đề thì nguy cơ sẩy thai sẽ rất cao





Những tháng đầu mang thai, bạn phải đối mặt với hàng loạt sự thay đổi trong cơ thể mình. Cùng với niềm vui có bầu, bạn hãy chú ý theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân để xử lý kịp thời nếu có bất thường xảy ra.
1. Đối mặt với cơn nghén
Vấn đề đầu tiên mà bà Bầu gặp phải trong 3 tháng đầu là tình trạng nghén. Theo khoa học, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ nhằm thích nghi với việc có thai sẽ tạo ra những biểu hiện khác nhau gọi chung là nghén. Vì thế, nghén là một hiện tượng tự nhiên mà đa số các bà Bầu gặp phải.
Các bà Bầu thường nghén theo dạng là sợ một loại mùi hay thực phẩm nào đó. Cơn nghén có thể dẫn đến ợ chua, buồn nôn và nôn. Đặc biệt, có bà Bầu còn nghén ngủ (ngủ nhiều hơn bình thường) hoặc thèm ăn một món ăn lạ. Bạn đừng lo lắng vì nghén chính là biểu hiện việc bé yêu trong bụng đang phát triển khỏe mạnh. Một số nghiên cứu mới đây còn cho biết: mẹ nghén nặng thì con sinh ra sẽ có chỉ số IQ cao.
Để làm giảm cơn nghén, tốt nhất bạn nên tránh xa các loại thực phẩm khiến bạn buồn nôn. Nếu buồn nôn, bạn thử uống nước chanh đá hoặc một cốc trà gừng. Các nhà khoa học cho biết: gừng là vị thuốc tuyệt vời giúp giảm cơn buồn nôn cho bà Bầu. Nếu bạn bị nôn thì nên uống nước và nằm nghỉ ngơi rồi phải ăn bù lại. Tuy trong 3 tháng đầu, thai nhi còn nhỏ, chưa cần nhiều năng lượng nhưng việc ăn bù lại giúp cơ thể mẹ khỏe mạnh và cân bằng lượng dinh dưỡng cho cơ thể.
2. Đề phòng cúm
Theo nghiên cứu của các bác sĩ trường Đại học BắcCalifornia(Mỹ): Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm cúm cao gấp 2 lần phụ nữ bình thường. Và khi bị lây nhiễm thì thường bị nặng hơn phụ nữ bình thường. Nguyên nhân là khi mới mang thai, cơ thể chị em có nhiều thay đổi nên sức đề kháng và hệ miễn dịch hoạt động yếu dẫn đến việc các virus cúm dễ dàng thâm nhập. Phụ nữ mang thai có nhu cầu ôxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi, do đó, cúm rất dễ dẫn đến viêm phổi gây nguy hiểm hơn nhiều ở người bình thường.
Trong những tháng đầu của thai kỳ, phụ nữ bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi như: tăng khả năng thai chết lưu, đẻ non, thai bị dị tật bẩm sinh hở hàm ếch, não thai nhi bị tổn thương,…
Để đề phòng bệnh cúm, chị em nên tăng cường dinh dưỡng, ăn các thực phẩm giàu vitamin C, dầu cá, các vitamin nhóm B,…Nếu bị cúm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh dùng kháng sinh hoặc có biện pháp đình chỉ thai nghén nếu cần.
3. Nguy cơ sẩy thai cao
3 tháng đầu là thời kỳ phát triển quan trọng của thai nhi. Nếu như thai nhi hay người mẹ có vấn đề thì nguy cơ sẩy thai sẽ rất cao. Có các nguyên nhân hàng đầu gây sẩy thai sớm như sau:
- Sẩy thai tự nhiên: Nghiên cứu của các bác sĩ thuộc Đại học BắcCalifornia(Mỹ) cũng cho thấy: Có đến 50% thai chết sớm là do những vấn đề về gien hay nhiễm sắc thể của thai. Vì thế, trong trường hợp này, thai nhi sẽ bị đào thải ra ngoài. Ngoài ra, các vấn đề bất thường ở tử cung người mẹ cũng dẫn đến việc thai bị sẩy sớm.

- Thai ngoài tử cung: Thai không nằm trong tử cung mà lại nằm trong ống dẫn trứng hoặc ổ bụng người phụ nữ khiến đau bụng dữ dội và chảy máu. Đây là nguyên nhân cũng khiến các bác sĩ phẫu thuật lấy thai để cứu mẹ.
- Rau tiền đạo: Người phụ nữ bị rau tiền đạo cũng rất dễ bị sẩy thải trong 3 tháng đầu tiên này.
Vì bạn không biết mình có nằm trong đối tượng có nguy cơ cao với việc sẩy thai sớm hay không nên hãy lưu ý đến sức khỏe của mình và thai nhi trong những tháng đầu mang thai để kịp thời thông báo cho bác sĩ chuyên khoa.
4. Phát hiện sớm bệnh phụ khoa
Mới mang thai, môi trường âm đạo và tử cung trở nên nhạy cảm hơn trước. Do đó, rất dễ để các loại vi khuẩn, nấm có thể thâm nhập gây viêm nhiễm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ. Vì vậy, bạn nên nên theo dõi dịch âm đạo hàng ngày để có biện pháp điều trị sớm nếu có viêm nhiễm.
Khi mới mang thai, dịch âm đạo của bạn nhiều hơn trước. Dịch thường có màu trắng trong và không có mùi. Nếu dịch âm đạo có màu vàng hoặc có mùi hôi,… kèm theo việc đau, ngứa, rát, sưng nề nơi âm đạo, bạn nên đi khám phụ khoa ngay để đề phòng bị viêm nhiễm. Bệnh phụ khoa cần được phát hiện sớm, tránh để viêm nhiễm nhiều gây hậu quả không tốt cho thai nhi. Những viêm nhiễm phổ biến của phụ nữ mang thai là: Viêm lộ tuyến cổ tử cung, sùi mào gà, nhiễm nấm và tạp khuẩn,… Nếu phát hiện sớm khi mới bị viêm nhẹ thì thai phụ chỉ cần đặt thuốc từ 3 - 5 ngày là khỏi. Nhưng nếu để viêm nặng, thai phụ phải vừa kết hợp uống, vừa phải đặt thuốc đến 12 ngày cho ổn định tình trạng viêm
Bác sĩ luôn tính toán lựa chọn loại thuốc ít ảnh hưởng đến thai nhi nhất, nên thai phụ có thể yên tâm điều trị, tránh tình trạng sợ đặt thuốc gây hại đến con, dẫn đến việc viêm nhiễm nặng, đến lúc không thể giữ nổi thai nhi do vỡ ối, sẩy thai,…
Minh Hân (Tạp chí Bầu -dịch)

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn