Trong ba tháng đầu thời kỳ thai nghén, một chỉ số cũng được quan tâm nhiều là độ dài cổ tử cung, độ dài này được đo qua siêu âm đường âm đạo, nếu cổ tử cung quá ngắn, đặc biệt hở eo cần phải khâu vòng cổ tử cung





Sau khi thụ tinh ống nghiệm thành công, nhiều thai phụ sẽ đặt câu hỏi chăm sóc thai sau thụ tinh trong ống nghiệm có khác gì so với chăm sóc thai bình thường không? Có cần chăm sóc đặc biệt nào khác không. Thực ra, sự phát triển của thai sau thụ tinh trong ống nghiệm không khác nhiều so với bình thường, ngoài việc đứa con sau thụ tinh trong ống nghiệm “quý hiếm” hơn, người mẹ có nguy cơ dễ bị sảy thai hơn.
Theo dõi lâm sàng
Sau khi chuyển phôi trung bình 14 ngày bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu định lượng nồng độ beta hCG, đây là một chất do rau thai sản xuất ra. Nếu kết quả định lượng có sự hiện diện của chất này trong máu thì chứng tỏa người phụ nữ có thai sinh hoá, và sau hai tuần bệnh nhân sẽ được hẹn siêu âm sau để xác định thai trong tử cung.
Khi siêu âm các bác sỹ sẽ xác định sự hiện diện của túi ối trong buồng tử cung (lúc này gọi là có thai lâm sàng), số lượng túi ối cho biết số lượng thai trong tử cung. Sự xuất hiện âm vang thai và hoạt động của tim thai là dấu hiệu phát triển bình thường của thai trong tử cung.

Trong thụ tinh trong ống nghiệm thường chuyển nhiều phôi (trung bình từ 3 đến 5 phôi) do vậy tỷ lệ đa thai cũng cao hơn bình thường (tỷ lệ đa thai khoảng 7% so với 3% đối thai nghén thường). Trường hợp sản phụ mang nhiều thai sẽ phải giảm thiểu phôi chọn lọc bằng cách dùng kim chọc dưới hướng dẫn của siêu âm qua đường âm đạo để huỷ bớt phôi, nếu để nhiều thai cùng phát triển trong tử cung sẽ có nguy cơ sảy sớm hoặc đẻ non. Phương pháp giảm thiểu này cũng đạt được hiệu quả cao giúp phòng tránh được các trường hợp sẩy thai hoặc đẻ non.
- 3 tháng đầu: Trong ba tháng đầu thời kỳ thai nghén, một chỉ số cũng được quan tâm nhiều là độ dài cổ tử cung, độ dài này được đo qua siêu âm đường âm đạo, nếu cổ tử cung quá ngắn, đặc biệt hở eo cần phải khâu vòng cổ tử cung tránh sảy sớm hoặc sinh non, đặc biệt là các thai phụ sinh đôi, sinh ba.
- Khám thai: Khám thai định kỳ rất quan trọng đối các bệnh nhân có thai sau IVF, tốt nhất nên khám và quản lý thai định kỳ hàng tháng và tại các cơ sở sản khoa. Tuổi thai sau khi làm IVF được tính từ ngày chuyển phôi cộng thêm hai tuần, và ngày dự kiến sinh là khi thai tròn 40 tuần, tức có nghĩa là tròn 38 tuần tính từ ngày chuyển phôi.
Chế độ thuốc
- Dùng hormon ngoại sinh: Sau khi chuyển phôi ngoài sử dụng các thuốc cần thiết trong khi có thai sản phụ cần được sử dụng thêm thuốc nội tiết loại progesteron có tác dụng hỗ trợ hoàng thể. Ở thai nghén bình thường sau khi phóng noãn phần nang noãn còn lại sẽ biến đổi thành hoàng thể, tiếp tục bài tiết ra các hormon có tác dụng hỗ trợ cho thai phát triển. Khi thụ tinh trong ống nghiệm hoàng thể không bài tiết đủ hormone nên cần dùng thêm hormon ngoại sinh trợ giúp. Việc dùng hormon này tối thiểu cũng phải đến hết 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén.
- Dùng axít folic, sắt, canxi: Ngoài hormon trợ giúp hoàng thể, thai phụ vẫn phải tiếp tục dùng axit folic với liều 400mcg/ngày cho đến ngày sinh, sắt cũng rất cần thiết cho quá trình tạo máu. Trên thị trường một số thuốc đóng gói axít folic và sắt chung nhau do vậy có thể uống chung một loại. Canxi cũng cần cho quá trình tạo xương của trẻ mà lượng canxi trong thức ăn hàng ngày sẽ không đủ cho trẻ phát triển cho nên bắt đầu từ tháng thứ 4 các phụ nữ cũng cần bắt đầu sử dụng canxi với liều 500 mg/ngày, khi dùng can xi cần uống nhiều nước tránh lắng đọng canxi ở thận. Nếu thai phụ còn dấu hiệu chuột rút chứng tỏ thiếu canxi, dấu hiệu này thường xuất hiện về đêm và nếu không dùng đủ canxi thì sau này rất dễ có nguy cơ mất canxi mà biểu hiện là sâu răng, loãng xương
Ngoài các thuốc trên nếu thai phụ muốn sử dụng bất cứ thuốc nào khác cần phải tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa, vì bất cứ thuốc nào khác cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi trong tử cung mẹ.
Chế độ dinh dưỡng
Trong thời kỳ mang thai người mẹ tăng trung bình 12 kg, ngoài nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho chính mình, người mẹ cần được cung cấp đầy đủ cả về chất lẫn về lượng, cần cân đối các chất trong bữa ăn hàng ngày.
- Chất đạm: cung cấp các axít amin cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa.
- Chất béo: cung cấp một phần năng lượng và sự phát triển của tế bào não, chất béo giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin nhóm A, D, E và K. Dầu thực vật là thức ăn chứa nhiều a xít béo không no, tốt hơn là mỡ động vật chứa nhiều a xít béo no. Gluxit cung cấp nang lượng chủ yếu cho cơ thể. Gluxit có nhiều trong ngũ cốc, đường, sữa…ngoài ra vitamin và chất xơ trong rau xanh cũng rất cần thiết khi mang thai.
- Nước uống: Nước uống cũng cần chú ý, khi mang thai nhu động niệu quản giảm nên sản phụ dễ bị ứ đọng canxi, dễ bị sỏi tiết niệu. Uống nhiều nước giúp phòng tránh được sỏi hệ tiết niệu.
Trong những tháng cuối có thể do thai to chèn ép, sản phụ có thể chia nhiều bữa ăn trong ngày để hấp thụ được thức ăn tốt nhất. Thành công sau thụ tinh ông nghiệm là niềm hạnh phúc của mọi bà mẹ vì vậy hãy chăm sóc thai phụ và thai nhi một cách tốt nhất, an toàn nhất. Tốt nhất, sản phụ phải đi khám thai định kỳ và tuân theo các chỉ định của bác sĩ.

PGS,TS Nguyễn Vĩnh Tiến
Nguyên Giám đốc BV Phụ Sản Trung Ương - Thứ Trưởng Bộ Y Tế
Tạp Chí Bầu



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn