Trở thành người chồng, người cha tuyệt vời luôn là mong nuốn của hầu hết đàn ông. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để làm được điều đó. Có thể, những người Bầu giới thiệu sau đây không hoàn hảo một cách tuyệt đối





Trở thành người chồng, người cha tuyệt vời luôn là mong nuốn của hầu hết đàn ông. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để làm được điều đó. Có thể, những người Bầu giới thiệu sau đây không hoàn hảo một cách tuyệt đối, nhưng họ luôn biết cách chăm sóc vợ con, là bờ vai vững chắc, an toàn cho mái ấm bình yên của mình…
* Tiến Nhất (Công ty in Công đoàn Việt Nam):Có lẽ, rất nhiều ông bố trẻ đồng ý với tôi rằng, lên “chức bố” là một bước ngoặt đặc biệt, không thể nào quên trong cuộc đời mỗi người đàn ông.
Hiện giờ, con gái tôi đã được gần 2 tuổi nhưng quả thực, khi nghĩ lại những ngày tháng vợ tôi mang bầu và sinh con, tôi vẫn tưởng như mới vừa hôm qua. Vợ tôi nghén khá nặng trong những tháng đầu mang thai, ăn gì cũng nôn ra hết. Nhưng vì lo cho em bé trong bụng, nên mỗi lần nôn xong, cô ấy lại “hùng hục” ăn bù mọi thứ, mặc cho chứng “ghê cổ” hành hạ. Những lúc ấy sao mà tôi thấy thương vợ mình đến thế!

Tôi cố gắng chăm sóc vợ bằng những việc rất nhỏ như pha sữa cho vợ uống, đưa cô ấy đi khám thai định kỳ hay đơn giản chỉ là vào mỗi buổi tối, nằm áp tai vào bụng vợ và trò chuyện với em bé… Phụ nữ mang thai rất nhạy cảm, tôi biết điều đó và luôn cố gắng giữ cho không khí trong gia đình thật vui vẻ, đầm ấm để vợ mình yên tâm. Ngày vợ ở cữ, tôi đã ở bên cô ấy ngay từ những phút đầu. Trong khi vợ đau chuyển dạ, tôi luôn nắm tay để cô ấy tựa vào vai mình và động viên cô ấy rằng : “Sau những cơn đau này, chúng mình sẽ được đón con yêu chào đời”. Động viên vậy thôi chứ lúc chứng kiến vợ chuyển dạ, tôi mới thực sự khâm phục những người phụ nữ. Để được làm mẹ, họ đã phải trải qua những cơn đau không gì tả nổi. Vậy mà chỉ ngay sau sinh và được bế con trong tay, tất cả những đớn đau hầu như đều tan biến. Có lẽ với họ, đó thực sự là “những cơn đau hạnh phúc”!
Tôi hay công tác xa nhà. Vợ tôi phải một mình chăm sóc con gái nhỏ. Tôi biết, chăm trẻ con rất vất vả và mệt mỏi nên mỗi dịp được về nhà, tôi lại làm mọi cách để bù đắp cho mẹ con cô ấy. Có khi, tôi đưa cả nhà đi chơi, đi ăn ở đâu đó hoặc vào bếp và làm món nem rán vợ ưa thích… Những lúc như vậy, tôi thực sự thấy cuộc sống có ý nghĩa. Cô ấy và con luôn là nơi bình yên nhất mà lúc nào tôi cũng muốn bên cạnh, chở che, yêu thương và tìm về.
* Đặng Vũ Anh (Tp Biên Hoà - Đồng Nai):Con gái tôi đã 3 tuổi. Tôi hay kể cho con biết bố đã làm gì, đã hạnh phúc thế nào từ lúc bé còn nằm trong bụng mẹ. Những câu hỏi ngây thơ của con gái như: sao lúc đó con không nhìn thấy bố, con không nghe bố nói chuyện như bây giờ… luôn làm tôi thích thú. Khi chăm vợ mang bầu, rồi chăm sóc con những năm tháng đầu đời, tôi nhận thấy rằng, làm cha là rất vất vả và đầy trách nhiệm nhưng hơn tất cả, đó là niềm vui và hạnh phúc. Tôi rất tự hào vì được vợ và gia đình nhận xét là một người chồng tâm lý, một người đàn ông biết cách làm cho gia đình mình hạnh phúc và muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người lần đầu làm bố. Lúc vợ mang thai, tôi làm đúng trách nhiệm của một người chồng, không để cho vợ cảm thấy cô đơn hay tủi thân vì tôi biết, phụ nữ mang bầu dễ tủi thân, giận dỗi… Mỗi lần vợ đi khám thai, tôi đều “tháp tùng”. Vui và hạnh phúc nhất là nhìn thấy con lớn lên qua mỗi lần siêu âm. Những khi rảnh, tôi lại đọc sách nói về thai nghén để hiểu hơn về quá trình mang thai của vợ. Đã không dưới 2 lần, tôi đặt mình vào vị trí của vợ lúc mang bầu để hiểu cô ấy hơn. Vợ mang bầu từ tháng thứ 6 trở đi, tôi bắt đầu tâm sự, nói chuyện với con. Có lần đi khám, bác sĩ nói: “Nếu bạn nói chuyện với thai nhi, bé có thể nghe được tiếng của bạn. Để làm quen với bé, các ông bố có thể xoa nhẹ bụng mẹ và cảm nhận bé cử động, nói chuyện và thì thầm với bé, hôn và vỗ về con qua làn da bụng của mẹ…”. Tôi thường áp dụng những cách đó để âu yếm và gần gũi con hơn. Giờ con gái đã lớn, tôi lại cùng vợ đưa ra các phương pháp dạy và chăm con hợp lý nhất. Chúng tôi thống nhất việc có hiểu con mới dạy được con. Cha mẹ phải biết và hiểu rõ con mình muốn gì, cần gì, tình trạng của con ra sao để có những tác động tích cực và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của con qua từng giai đoạn phát triển. Với tôi, dù có đi bất cứ nơi đâu thì cũng không bằng gia đình mình, nơi ấy có vợ và con gái đang chờ tôi mỗi chiều đi làm về…

* Lê Quốc Khánh (Trương Định – Hà Nội):Cách đây gần 3 năm, khi vợ báo tin có bầu, tôi đã rất sung sướng, hét lên trong niềm hạnh phúc. Hai vợ chồng vui lắm, vợ thì khóc còn tôi thì bế bổng cô ấy lên. Không thể nào tả hết được cảm giác đó.
Vợ mang thai là khoảng thời gian rất vất vả của hai vợ chồng vì vợ tôi hơi yếu, không ăn uống được gì. Công việc của tôi rất bận rộn, bận tới mức tôi không có thời gian cho mình. Nhưng vì vợ và con, tôi đã gạt bỏ một số công việc sang bên để chăm sóc cho hai mẹ con. Buổi sáng, tôi đưa cô ấy đi làm, chiều đón về. Mỗi lần đến kỳ khám thai, hai vợ chồng lại tranh thủ cuối giờ làm việc để đến phòng khám. Một người không quen chờ đợi như tôi mà vẫn không thấy có vấn đề gì khi chờ vợ 2 đến 3 tiếng ở ngoài phòng khám. Cứ nghĩ đến một sinh linh bé bỏng, nghĩ đến giọt máu của mình đang lớn lên từng ngày là tôi lại cố gắng hơn trong mọi việc, nhất chăm chỉ về nhà sau giờ làm việc. Tôi tập làm cho vợ những món ăn tốt cho sức khỏe, đưa cô ấy đi dạo vào mỗi buổi tối. Thích nhất là buổi tối hai vợ chồng bên nhau, cùng chứng kiens những “cú đá” của thai nhi. Vợ tôi bảo bảo: “Anh ơi, đây là đầu con này, đây là cái chân và đây nữa, chắc là cái mông…
Ngày vợ sinh, tôi không biết làm gì để giúp vợ qua cơn vượt cạn, chỉ biết cầm tay cô ấy và nói rằng: “Cố lên em, con yêu đang chờ được bố mẹ đón ra đấy! Em và con sẽ bình an”. Cô ấy đáp lại tôi bằng một nụ cười, tuy mệt mỏi nhưng tràn ngập hạnh phúc. Lúc con chào đời, niềm hạnh phúc như vỡ òa, không gì có thể tả nổi cảm xúc lúc đó, cả hai vợ chồng cùng khóc. Đó là điều tuyệt với nhất mà tôi từng cảm nhận, một thứ tình cảm rất thiêng liêng. Nó lớn hơn tất cả mọi điều trên thế gian này.

Từ trước đến nay, tôi luôn được người khác chăm sóc. Nhưng từ khi có cu Bi, tôi không những đã biết tự chăm sóc cho bản thân mà còn biết chăm sóc con nữa. Tôi giúp vợ cho con ăn, cho con ngủ và tắm cho con nữa. Những công việc đơn giản nhưng cũng rất khó khăn, thấy yêu và thương vợ nhiều hơn. Cuối tuần, cả hai vợ chồng đưa con đi chơi. Giờ con lớn hơn một chút, chiều nào hai bố con cũng đi bơi. Chơi với con là liều thuốc tinh thần giúp tôi quên hết mọi mệt mỏi của công việc, của cuộc sống. Tôi tự hứa với lòng rằng, mình cần phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để cho con có được một cuộc sống tốt đẹp!
Tường Vy (Tạp chí Bầu)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn