Bạn nên chọn việc làm nóng và kích thích bằng cách xoa dầu, mátxa hơn là phải cạo cho thật mạnh để ra gió





Mang thai nhiều người phải chịu đựng quá nhiều sức ép vì ốm nghén hoặc thay đổi nội tiết làm mẹ bầu rất dễ bị đau đầu. Để đối phó với tình trạng này nhiều mẹ bầu không dám sử dụng thuốc mà hay dùng phương pháp dân gian như Cạo Gió. Tuy nhiên việc cao gió có tốt cho bà bầu hay không, chắc hẳn mọi người chưa biết
Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh, trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương TP.HCM, cạo gió theo đông y, nhằm làm nóng cơ thể, kích thích huyệt đạo, có thể dùng được. Tuy nhiên bà bầu nên chọn việc làm nóng và kích thích bằng cách xoa dầu, mátxa hơn là phải cạo cho thật mạnh để ra gió mà thật ra chính là làm vỡ các mạch máu dưới da và gây xuất huyết dưới da. Càng nguy hiểm hơn, nếu mẹ bầu đang bị đau nhức mình mẩy do sốt xuất huyết, cạo gió sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.

Cạo gió đúng cách cho bà bầu
Thông thường, chỉ những người bị cảm phong hàn mới cần được cạo gió, đánh cảm. Những trường hợp bị cảm phong nhiệt thì tuyệt đối không cạo gió, đánh cảm mà phải điều trị bằng thuốc. Người bị cảm phong nhiệt ra mồ hôi cũng không thể đánh gió…
Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi cạo gió cần lưu ý một số điều sau:
- Thông thường cạo gió là dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, kín hết diện vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra hai bên mạng sườn, kín hết diện lưng. Nếu người bệnh ho, ngứa cổ họng thì cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực. Nếu bụng lạnh đau cạo thêm vùng bụng, nếu nhức dọc chi trên thì cạo thêm cánh tay và cẳng tay.
- Khi cạo thì chọn nơi kín gió, tránh gió lùa, người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm, toàn thân thư giãn. Sát trùng dụng cụ cạo gió, thoa dầu gió lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải miết đều theo hướng một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sao cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được.
Ở lưng có thể dùng lực mạnh hơn một chút. Lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác. Thông thường mỗi lần cạo từ 3-5 phút là da ửng đỏ. Sau khi cạo cho người bệnh uống một cốc sữa hoặc một cốc trà gừng nóng hoặc ăn một bát cháo giải cảm có hành tươi và tía tô rồi đắp chăn nằm nghỉ.
- Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió, vì dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu. Tốt nhất nên sử dụng vật cạo là củ gừng được cắt bằng ở đầu, dùng đầu gừng cạo, khi tà đầu thì cắt ngang bỏ, tạo đầu mới, vừa an toàn vừa sử dụng được tinh dầu gừng có tính ấm, nóng.
- Cạo gió thực sự hữu hiệu trong trường hợp cảm mạo thời tiết, nhiễm lạnh , nhức mỏi tay chân do làm việc quá độ. Trong trường hợp suy nhược vì một bệnh lý nào đó như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang,… thì nên đến cơ sở y tế khám để có chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp
Tạp Chí Bầu (TH)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn