Các sản phụ thường thắc mắc giai đoạn chuyển dạ là bao lâu. Câu trả lời của tôi là không có thời gian chính xác và khác nhau với mỗi người





Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ là quá trình tử cung co thắt và cổ tử cung mở rộng ra để đưa em bé ra đời. Giai đoạn đầu gồm có 3 kỳ, kỳ ban đầu, kỳ co thắt mạnh và kỳ chuyển tiếp. Qua mỗi kỳ, cổ tử cung của bạn lại mở rộng thêm ra cho đến khi mở được 10 cm. Giai đoạn thứ hai của cơn chuyển dạ là giai đoạn rặn đẻ, là lúc bạn thực sự đưa bé ra bên ngoài, và giai đoạn thứ ba là khi bạn sổ nhau thai.
Các sản phụ thường thắc mắc giai đoạn chuyển dạ là bao lâu. Câu trả lời của tôi là không có thời gian chính xác và khác nhau với mỗi người. Có người sanh rất nhanh, nhưng có ngườigiai đoạn đầu của chuyển dạ có thể kéo dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày, do vậy điều quan trọng nhất là các bạn không nên lo sợ khi thấy các dấu hiệu chuyển dạ.

Phương pháp hít thở khi chuyển dạ:
Khi chuyển dạ và cơn gò đau bụng, nhiều bà mẹ lo lắng mà hít thở loạn xạ, thậm chí là la hét hoặc quát tháo. Lời khuyên của tôi là bạn nên giữ bình tĩnh, không nên la hét và cố gắng hít thở sâu, lấy hơi sâu và thở từ từ nhẹ nhàng. Trước khi được sự cho phép của bác sĩ và nữ hộ sinh, sản phụ tuyệt đối không nên rặn đẻ. Khi cổ tử cung mở 8 phân mới là lúc bạn được phép rặn.
Trong quá trình chuyển dạ lên bàn sanh, sản phụ sẽ vẫn được theo dõi tim thai và mỏm nhô. Nếu khi thăm khám nữ hộ sinh thấy không đụng mỏm nhô, sản phụ mới được phép rặn đẻ.
Trong quá trình chuyển dạ có nên ăn uống hay không?
Khi đã lên bàn sanh, sản phụ đã được nữ hộ sinh vệ sinh và thụt tháo phân sạch sẽ để giúp quá trình chuyển dạ được suôn sẻ. Vì thế nếu quá trình chuyển dạ có kéo dài, sản phụ cũng chỉ được uống sữa và uống nước, không nên ăn uống.
Về sanh không đau
Câu hỏi thường gặp của các sản phụ là về hậu quả của phương pháp sanh không đau. Thực tế cho đến nay, sanh không đau không để lại hậu quả gì, mà biên pháp này rất hữu ích khi giúp các sản phụ bớt đi phần nào đau đớn trong quá trình vượt cạn.
Cắt tầng sinh môn
Tất cả các sản phụ khi sanh sẽ được cắt tầng sinh môn. Đây là việc nên làm để tầng sinh môn của sản phụ không bị rách thẳng xuống cơ vòng hậu môn, ảnh hưởng đến khả năng đi đại tiện sau này.
Rặn bé ra ngoài:
Cơ thể của bạn sẽ cho bạn biết khi nào thì nên rặn, tuy nhiên bạn yên tâm rằng bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ cho bạn biết lúc nào bạn cần rặn để em bé ra đời. Khi đầu em bé đã lọt qua ngoài, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng rặn, thay vào đó là thở nhanh và đều đặn một lúc. Đây là thời điểm rất nhạy cảm nên bạn cần phải từ tốn để giảm thiểu nguy cơ bị rách. Khi cơn co thắt lần tới xuất hiện, bạn chỉ cần rặn nhẹ là “mẹ tròn con vuông”.
Sổ nhau thai
Bác sĩ sản khoa hay nữ hộ sinh sẽ gợi ý tiêm hỗ trợ cho bạn sổ nhau thai. Nếu bạn đồng ý tiêm, thời gian sổ nhau có thể mất khoảng 5 - 15 phút. Nhưng nếu bạn quyết định sổ nhau tự nhiên thì thời gian có thể kéo dài tới 1 tiếng đồng hồ. Bạn sẽ lại thấy các cơn co thắt lại xuất hiện nhưng chúng sẽ không mạnh như trong giai đoạn hai của chuyển dạ. Các cơn co thắt này giúp bạn nhẹ nhàng đẩy nhau thai xuống dưới và ra ngoài âm đạo.
Khi nhau thai đã sổ ra ngoài, bác sĩ sẽ kiểm tra nhau thai, đồng thời sờ bụng bạn để kiểm tra xem tử cung của bạn đã bắt đầu co lại sau khi nhau thai đã sổ ra hay chưa.
Cuối cùng thì bé đã chào đời. Chúc mừng thành quả của bạn.
Trần Thị Mỹ Phượng


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn