Khi chuyển dạ, vợ bạn phải đối diện với những đau đớn khôn cùng về mặt thể xác và sự lo lắng, hoang mang về mặt tinh thần.





Có thể bạn sẽ khá lúng túng khi vợ chuyển dạ. Nhưng dù có bất ổn tâm lý thế nào thì cũng xin tuyệt đối ghi nhớ lấy những điều sau nhé các đấng mày râu.
1. Không ở bên cạnh vợ lúc chuyển dạ

Nên ở bên cạnh lúc vợ chuyển dạ

​Khi chuyển dạ, vợ bạn phải đối diện với những đau đớn khôn cùng về mặt thể xác và sự lo lắng, hoang mang về mặt tinh thần. Vì thế, thời điểm đặc biệt này luôn phải có người thân bên cạnh giúp đỡ để cô ấy đón nhận cơn đau một cách dễ chịu hơn cũng như để kịp thời đối phó với những trường hợp xấu xảy ra, gây nguy hiểm cho tính mạng của hai mẹ con. Do đó dù bận đến đâu các bố cũng phải sắp xếp ở để ở bên cạnh vợ trong giai đoạn "nhạy cảm" này. Trừ trường hợp đặc biệt hoặc phải đi công tác đột xuất không thể về kịp mà thôi.
2. Mất bình tĩnh và hoảng loạn
Đây là thời điểm mà cô ấy cần chồng làm chỗ dựa tinh thần cho cô ấy. Do vậy dù mọi việc có tệ đến đâu, các ông bố cũng phải cứng rắn, sáng suốt, không nên quá lo lắng và hoảng loạn. Bởi tâm lý xấu của bạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vợ bạn, mà điều này không hề tốt cho mẹ và bé.
3. Không động viên và an ủi vợ

Những cơn đau chuyển dạ sẽ khiến cô ấy vô cùng khó khăn và điều cô ấy cần nhất lúc này không phải là những món ăn ngon mà là những lời động viên, an ủi từ chính người chồng của mình. Hãy nắm chặt tay cô ấy và nói với cô ấy rằng: “Em là bà mẹ tuyệt vời, em sẽ làm tốt, cố gắng lên bà xã yêu của anh. Mọi việc sẽ ổn thôi. Anh sẽ luôn ở bên cạnh hai mẹ con”. Đó là điều mà mọi ông chồng tốt nên làm với vợ thay vì đứng bên ngoài phòng sinh hoặc càu nhàu cô ấy.

4. Ngất xỉu
Nhiều ông chồng yếu tim nên khi chứng kiến những cơn đau đẻ của vợ có thể bị ngất xỉu. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho vợ, bởi cô ấy vừa phải đối diện với những cơn đau vừa phải lo lắng cho chồng. Mà điều này không hề tốt cho những bà bầu chuẩn bị sinh con. Vì thế nếu bạn quá lo lắng, sợ sệt hãy hít thở thật sâu, nắm chặt tay vợ giúp cô ấy an tâm hơn đồng thời tự trấn an bản thân để tạo chỗ dựa tinh thần vững chắc cho vợ lúc vượt cạn.

5. So sánh việc sinh nở của vợ bạn với người khác

“Chị gái anh sinh 2 đứa rồi mà có như em đâu. Làm gì mà em cứ cuống cả lên và kêu ca nhiều vậy. Cứ làm như một mình em biết sinh con không bằng”... Những câu nói này vừa thể hiện bạn là một người chồng vô tâm, vừa khiến vợ bạn bị tổn thương, tủi thân. Vì bạn không phải trải qua những đau đớn mà vợ mình đang gánh chịu nên bạn sẽ không bao giờ hiểu được đau đẻ là như thế nào.
Theo đó, thay vì nói những lời đau lòng như vậy hãy động viên, an ủi vợ “Cố lên em, anh sẽ cùng em vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Hoặc “cảm ơn vì em đã chịu nhiều đau đớn để sinh con cho anh”.
6. Những câu nói đùa vô duyên
“Trông em lúc này rất hợp với vai Xúy Vân đấy” hay “sắp đến lúc biết được biết liệu con có giống anh hay không rồi”… Mặc dù đây là chỉ là những câu nói đùa để giúp cô ấy thư giãn, nhưng những câu nói "vô duyên" này sẽ chỉ khiến cô ấy thêm lo lắng, tức giận, căng thẳng hơn mà thôi.
7. Không ngừng xuýt xoa về các món ngon vừa được ăn


Trong khi vợ bạn đang quằn quại trên giường giữa những cơn đau đẻ bạn lại bỏ mặc cô ấy đi ra ngoài ăn những món ngon. Điều này sẽ khiến tâm trạng của vợ bạn tồi tệ thêm. Cô ấy sẽ cảm thấy bạn thật vô tâm và không biết thương vợ con. Thay vào đó, hãy mua cho vợ những món ăn ngon, động viên cô ấy ăn để có sức chuẩn bị vượt cạn.
8. Mang thức ăn nhanh vào phòng sinh
Có thể bạn nghĩ rằng thức ăn nhanh sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian ra ngoài để ở bên cạnh vợ. Tuy nhiên khi mang những đồ ăn này vào phòng chờ sinh, không chỉ khiến cô ấy cảm thấy khó chịu mà mùi thức ăn sẽ bám lại trong phòng khá lâu, khi em bé chào đời có thể bị dính mùi, không tốt cho bé.
9. Liên tục cập nhật tình hình của vợ trong phòng chờ sinh lên các trang mạng xã hội
Nhiều ông chồng nghĩ rằng việc thường xuyên cập nhật tình hình của vợ trong phòng chờ sinh lên các trang mạng xã hội là thể hiện sự quan tâm đến vợ, giúp cô ấy có thể nhận được nhiều lời động viên và chia sẻ từ bạn bè. Tuy nhiên, thời điểm này cái cô ấy quan tâm hơn cả là những tình cảm và những việc làm thiết thực mà chồng dành cho cô ấy, chứ không phải những lời động viên sáo rỗng ở trên mạng kia.

Nên thay vì mất thời gian làm những việc vô nghĩa như thế hãy dành thời gian quan tâm đến vợ, giúp đỡ cô ấy nhiều việc cần thiết đó mới là điều ý nghĩa hơn cả.
10. Chỉ quan tâm đến chiếc điện thoại hoặc ipad
Nhiều ông bố trẻ khi đưa vợ đi sinh không quên mang theo ipad hoặc chiếc điện thoại thông minh để chơi game, đọc báo, xem phim… nhằm “giết thời gian”. Vì thế khi ở trong phòng chờ sinh, thay vì quan tâm đến những việc xảy ra với vợ họ lại chỉ chăm chăm vào các trò giải trí trên điện thoại và ipad. Và thật tồi tệ nếu bạn liên tục la hét về trò chơi trong điện thoại mà bỏ mặc vợ đang đau đớn kêu la vì những cơn đau chuyển dạ.

11. Luôn than phiền mệt mỏi và buồn chán

Thời gian chờ vợ sinh ở bệnh viện có thể nói là cơn ác mộng với nhiều ông bố, bạn sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, kiệt sức và buồn chán vô cùng. Tuy nhiên những gì bạn đang phải trải qua chẳng thấm tháp gì với những điều mà cô ấy đang phải chịu đựng. Vì thế đừng bao giờ kêu ca buồn chán, mệt mỏi trong thời gian chờ vợ sinh ở bệnh viện. Hơn ai hết bạn phải luôn lạc quan, vui vẻ tiếp thêm tinh thần và tạo động lực giúp cô ấy vượt qua giai đoạn khó khăn này.

12. Đứng cách xa phòng sinh
Có nhiều ông chồng lo lắng hoặc sợ đến nỗi không dám đến gần phòng sinh. Hiện nay có nhiều bệnh viện cho phép chồng vào phòng sinh cùng vợ. Nếu được hãy vào phòng sinh cùng cô ấy, cùng nắm chặt tay vợ để giúp cô ấy có thể nhanh chóng mẹ tròn con vuông.

13. Khó chịu và cằn nhằn “sao vợ đẻ lâu thế!”


Khi bước vào phòng sinh hơn ai hết cô ấy là người đầu tiên mong em bé nhanh chào đời để bớt đi những đau đớn và giảm đi lo lắng về sự an nguy của em bé trong bụng. Nên thay vì càu nhàu hãy cầu nguyện để vợ bạn mau chóng mẹ tròn con vuông và con bạn khỏe mạnh khi chào đời.




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn