Sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không mắc bất kỳ dị tật nào là ước muốn và niềm hạnh phúc của những ông bố, bà mẹ. Nhưng để có được điều ấy, trước và trong thời gian mang thai họ cần phải làm thế nào và chuẩn bị những gì? Đây là nỗi băn khoăn không nhỏ của các bậc cha mẹ.





Những con số biết nói
Tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (BV Phụ sản Trung ương) cho biết, theo một kết quả thực hiện chương trình chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh do BV Phụ sản Trung ương tiến hành năm 2009, tỷ lệ dị tật bẩm sinh là 5,4%, (tỉ lệ này trên thế giới là 3,5% - 5%). Đứng đầu là các dị tật ở hệ thần kinh, đầu, mặt, cổ, tiếp theo là vùng bụng và dị tật hệ xương – chi. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ thai dị tật bẩm sinh gặp ở mọi lứa tuổi, cao nhất không phải ở phụ nữ trên 35 tuổi mà là từ 25 – 29 tuổi, tiếp theo là ở nhóm tuổi từ 20 – 24. Tiến sĩ Cường cũng cho biết, trong tổng số trẻ dị tật được khảo sát, số con của các bà mẹ trên 35 tuổi chỉ chiếm 8% so với gần 25% của nhóm bà mẹ tuổi từ 20 - 24 và trên 30% của nhóm bà mẹ tuổi từ 25 - 29. Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào lứa tuổi để sàng lọc thì sẽ bỏ sót đến 2/3 các ca có nguy cơ dị tật bẩm sinh. Hiện tại, ViệtNamchưa có một nghiên cứu cụ thể nào về dị tật thai nhi nói chung nhưng trung bình mỗi tháng, trung tâm tiếp nhận khoảng 200 ca có những bất thường về thai nghén đến kiểm tra và 1/3 trong số đó phải đình chỉ thai.
Đối tượng có nguy cơ sinh con dị tật
Theo Tiến sĩ Trần Danh Cường, những bà mẹ có một trong những đặc điểm sau đây thường có nguy cơ sinh con bị dị tật cao hơn với những phụ nữ khác:
- Từ 35 tuổi trở lên: Những nghiên cứu cho thấy, phụ nữ từ tuổi này trở đi, càng lớn tuổi thì tỷ lệ sinh con bị dị tật các loại càng nhiều, đặc biệt là các bệnh do rối loạn thể nhiễm sắc như bệnh Down.
- Mẹ đã từng sinh con dị tật lần thai nghén trước.
- Trong gia đình (cả bên chồng và bên vợ) có người đã sinh con bất thường.
- Tiếp xúc nhiều và lâu dài với hóa chất độchại như: dioxin, histamine, Ipod, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các thuốc an thần thalidomit, thuốc hoặc tia xạ chữa ung thư.
- Nhiễm virut có hại trong 3 tháng đầu thai kỳ: Những người bị sốt do nhiễm virut như cúm, sởi, quai bị, đặc biệt bị nhiễm virut Rubella trong tháng đầu mang thai khi phôi đang phát triển, hình thành và hoàn thiện các cơ quan, bộ phận trong cơ thể.
Phòng tránh thế nào?
* Trước khi mang thai: Nên đi khám sức khỏe tổng quát để bác sĩ có thể phát hiện và điều trị dứt điểm nếu bạn mắc phải các bệnh truyền nhiễm hay các bệnh lây qua đường tình dục. Trước khi mang bầu 3 tháng, nên đi tiêm phòng các bệnh như cúm, viêm gan B, rubella… Bắt đầu bổ sung viên sắt và axit folic một tháng trước khi có thai để thai nhi phòng tránh dị tật ống thần kinh và tránh được nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh nặng như hở ống thần kinh, vô sọ, não úng thủy nặng, thoát vị não, màng não.
* Khi mang thai: Phải đi khám thai định kỳ và sàng lọc bằng siêu âm ít nhất ba lần: Lần đầu: tuổi thai từ 11 - 13 tuần; Lần 2: tuổi thai từ 18 - 22 tuần; Lần 3: tuổi thai từ 28 - 32 tuần. Tốt hơn cả là dùng máy siêu âm ba chiều. Với ba lần làm siêu âm chẩn đoán, có thể phát hiện hầu hết các dị tật bẩm sinh cả trong nội tạng và bên ngoài, xét nghiệm máu ở tuần thai thứ 13 trở đi để kiểm tra hội chứng Down của thai.
*Không sử dụng thuốc: Trong thai kỳ, nếu người mẹ uống một số các loại thuốc có hại như thuốc chống co giật, thuốc kháng giáp, thuốc trị ung thư, thuốc kháng sinh và một số loại thuốc trị mụn trứng cá... cũng có nguy cơ gây dị tật cho thai. Ngoài ra, tránh tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu... để tránh gây hại cho thai.
* Không tiếp xúc với chó mèo: Trong phân chó, mèo, lông mèo có chứa vi khuẩn Toxoplasmosis, nếu thai phụ bị nhiễm vi khuẩn này trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ làm 40% thai nhi bị dị tật, trong đó 15% bị dị tật nặng. Những dị tật thường gặp là điếc, đầu nhỏ và chậm phát triển... Để tránh nhiễm Toxoplasmosis, thai phụ không nên nuôi chó, mèo hoặc tiếp xúc với chó, mèo.
* Không uống nước để lâu trong bình nhựa: Nước uống để trong thời gian dài có thể là môi trường phát sinh nhiều loại vi khuẩn gây hại. Hơn nữa, một số hóa chất từ nhựa cũng có khả năng phân hủy, hòa tan, gây nhiễm độc nước. Vì thế, bà Bầu không được sử dụng nước để lâu trong bình nhựa.

* Ăn uống: Hạn chế sử dụng các loại cá có nguồn thủy ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá cờ… Không ăn các loại củ quả mọc mầm vì chúng thường chứa nhiều chất độc, các sản phẩm nhiều cafein, cocain… cũng nên tránh dùng.
Tường Vy (Tạp Chí Bầu)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn