Sinh mổ là ca phẫu thuật rất quan trọng, vì vậy việc hồi phục sức khỏe sau sinh sẽ lâu hơn và mẹ còn có nguy cơ bị nhiễm trùng.





Theo chuyên gia về sức khỏe sinh sản thì sinh mổ thường không tốt bằng sinh thường nhưng vì đảm bảo an toàn cho mẹ bầu có vấn đề trong thai kỳ hoặc vì ngôi thai không thuận, mang đa thai, có tiền sử sinh mổ, tránh ảnh hưởng đến "vùng kín".... nên nhiều mẹ đã phải chọn phương pháp sinh này.
Sinh mổ là ca phẫu thuật rất quan trọng, vì vậy việc hồi phục sức khỏe sau sinh sẽ lâu hơn và mẹ còn có nguy cơ bị nhiễm trùng. Để giảm thiểu những rủi ro trên, các mẹ nên tuân thủ 7 lời khuyên sau:
Đừng nằm nhiều
Có thời mà bác sỹ khuyên sản phụ sinh mổ hãy ở yên trên giường, càng ít di chuyển càng tốt; nhưng thời đó đã qua. Giờ không còn ai khuyên các mẹ hãy ở yên trên giường nữa cả, vì không vận động không hề là điều tốt, có thể khiến bạn bị những cục máu đông ở chân hoặc phổi, gây nguy hiểm. Vậy nên hãy cố gắng nhúc nhích đi lại, hoạt động vừa phải trong sức chịu đựng của mình.

Sau sinh mổ, mẹ không nên nằm nhiều có thể bị những cục máu đông ở chân hoặc phổi, gây nguy hiểm. (ảnh minh họa)
Hạn chế vận động mạnh
Tuy rằng bạn cần vận động nhưng hãy tránh vận động mạnh trong vài tuần. Chẳng hạn nếu bạn có ý định chạy bộ buổi sáng hoặc nâng thứ gì đó nặng hơn em bé vừa sinh của mình lên thì giờ chưa phải là lúc. Bạn càng ép mình thì càng có khả năng quá trình hồi phục sẽ bị đẩy lùi lại. Hãy cho mình có thời gian để lành vết thương, và đừng vội "quan hệ" lại trong khoảng thời gian này để tránh bị nhiễm trùng.
Ngồi dậy đúng cách
Ngồi dậy thôi cũng là việc căng thẳng với những người mẹ trẻ và cần được lưu tâm, vì vết thương của mình. Chẳng hạn thay vì ngồi bật dậy từ tư thế nằm thì sau ca mổ, bạn nên cố gắng lăn nghiêng sang một bên và dùng sức của đôi tay để đẩy mình ngồi dậy. Việc này giúp giữ cho vết mổ cũng như các cơ đã bị can thiệp trong quá trình sinh nở được an toàn.
Giữ vệ sinh vết mổ.
Hãy hỏi bác sỹ hoặc hộ lý về cách chăm sóc cho vết mổ đẻ. Thông thường là sau 1 ngày, vết mổ đã hơi lành lại, bạn cần vệ sinh với nước và xà phòng; và thay vì lúc nào cũng băng kín lại, hãy tháo băng ra cho thoáng và khô vết thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bổ sung chất xơ
Việc phải cố sức rặn khi đi vệ sinh quả thật không phải là ý tưởng hay lúc này đâu, vì sẽ làm ảnh hưởng đến vết thương đang cần lành. Vậy nên hãy ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất xơ. Ngoài ra, những loại thực phẩm nhiều protein và nhiều nước cũng sẽ giúp vết thương dễ lành hơn.
Chọn đồ lót phù hợp
Tuy việc mặc đồ lót nén hoặc đai cố định vùng bụng sẽ không đẩy nhanh quá trình hồi phục của bạn nhưng có thể hỗ trợ và giữ ổn định vùng quanh vết mổ, giúp bạn đỡ đau. Vậy nên nếu bạn cảm thấy thoải mái thì hãy thử xem. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tạo lực nén thay thế cho đồ lót nén hoặc đai nịt bụng bằng cách dùng gối ấn nhẹ nhàng lên bụng cũng sẽ cho tác dụng tương tự.
Những loại thực phẩm mẹ nên ưu tiên
- Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau khi sinh là rất cần thiết, vì đây là lúc mẹ cần bổ sung dinh dưỡng giúp phục hồi cơ thể và tăng lượng sữa mẹ cho bé bú. Mẹ nên ăn những thức ăn tươi, nấu chín kỹ, cân đối các nhóm thực phẩm, càng đa dạng càng tốt. Do hệ tiêu hóa chưa thể phục hồi ngay, mẹ nên tránh ăn quá no, chỉ cần mỗi bữa ăn khoảng một chén cơm với lượng thức ăn tương ứng hoặc một ly sữa là đủ cung cấp nguyên liệu tạo sữa nuôi em bé.
- Để vết mổ nhanh lành và cung cấp cho cơ thể một lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết sau khi sinh, mẹ cần ăn uống đa dạng các loại thực phẩm như: thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá… đây là những thực phẩm giàu đạm và sắt, giúp mau lành vết mổ và phòng chống thiếu máu, thiếu sắt.
- Hãy phơi nắng đầy đủ cùng với bé. Lưu ý, chỉ phơi nắng vào lúc sáng sớm (7h sáng) để bé hấp thụ được vitamin D. Nếu mẹ ăn uống kém, có thể bổ sung đa vitamin và khoáng chất dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Rau xanh và trái cây chín chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng, nhiều chất xơ giúp phòng chống táo bón.
- Uống sữa và các sản phẩm của sữa như: sữa chua, phômai… giúp răng, xương của hai mẹ con chắc khỏe hơn.
- Uống nhiều nước như: nước đun sôi, nước canh, nước ép trái cây…
- Trong giai đoạn này sản dịch đang ra rất nhiều này, mẹ cũng nên ăn nhiều chất có tác dụng co hồi tử cung để đẩy nhanh chất dịch ứ đọng trong buồng tử cung như các món ăn từ tôm. Nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra trong tôm có những hoạt chất gây tác dụng này.
Một số thức ăn mẹ nên tránh
- Mẹ không nên ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc nướng cháy. Những món ăn này không tốt cho hệ tiêu hoá của mẹ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
- Mẹ nên tránh không dùng các thực phẩm có chứa chất kích thích: bia, rượu, cà phê, thức ăn cay …


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn