Nhu cầu nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi ở các nước phát triển đã gây ra một ‘cơn lốc’ mới về nạn buôn bán người






Nhu cầu nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi ở các nước phát triển đã gây ra một ‘cơn lốc’ mới về nạn buôn bán người, đặc biệt là ở Châu Á. Một quan chức lập pháp cao cấp của Úc cho biết, ngày càng có nhiều kẻ buôn bán phụ nữ mang thai, những ‘lò ấp’ trẻ em hoàn hảo nhất, để lấy đi đứa con của họ.







Các nhân viên luật pháp tin rằng có hàng ngàn phụ nữ châu Á đang mang thai bị sử dụng vào đường dây vận chuyển trẻ sơ sinh trái phép ra khỏi biên giới quốc gia. (Nguồn ảnh: ABC)






Ông John Pascoe, Chánh án Tòa án Liên bang Úc cho rằng, một trong những biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống nạn buôn người là lập ra một hệ thống luật pháp mới về quyền trẻ em. Để minh họa rõ nét âm mưu của những kẻ buôn người, ông Pascoe đã dẫn chứng vụ buôn người xảy ra ở vùng biển Indonesia vào năm 2003
JOHN PASCOE: “Có 8 trẻ sơ sinh trên thuyền. Bọn trẻ bị giấu trong những hộp nuôi cá có bọt Stiron được chọc thủng để thở và chúng được đặt vào đó một cách cẩu thả. Những kẻ buôn người cho rằng, đây là cách tối ưu để vận chuyển bởi nó an toàn hơn cho trẻ em mặc dù để lại những hậu quả về sức khỏe cho các em. Hơn nữa, cách thức này cũng an toàn hơn cho những kẻ buôn người bởi trong trường hợp bị phát hiện, chúng sẽ dễ dàng giấu trẻ sơ sinh hơn phụ nữ đang mang thai khi vận chuyển qua biên giới.”
PV: Ông đánh giá thế nào về mức độ của vấn đề này và đã xảy ra bao nhiêu vụ như vậy?
JOHN PASCOE: “Nhìn chung, buôn lậu luôn là một loại tội phạm ‘ngầm’ và buôn người cũng vậy. Các báo cáo cho thấy, những vụ buôn người vẫn đang gia tăng, tuy nhiên con số những kẻ buôn người bị bắt cũng nhiều hơn. Chúng tôi tin rằng nạn buôn người đang gia tăng và có lẽ là có tới hàng ngàn vụ chứ không phải hàng trăm hay hàng chục.”
PV: Vậy tại sao nạn buôn người lại tăng? Đó có phải do nạn buôn lậu ngày càng mở rộng hơn và những kẻ tội phạm ngày càng tìm ra các phương thức mới, hiệu quả hơn để vận chuyển người qua biên giới hay còn có những yếu tố khác ở đây?
JOHN PASCOE: “Động cơ của buôn người là lợi ích kinh tế, bên cạnh đó do nhu cầu nhận con nuôi khá cao khiến cho nạn buôn người gia tăng. Tôi cho rằng, hầu hết việc buôn bán trái phép trẻ sơ sinh cuối cùng cũng sẽ liên quan đến vấn đề nhận con nuôi bất hợp pháp. Ở các nước phát triển hiện nay, nhu cầu nhân con nuôi là rất lớn.”
PV: Theo ông, cần có những biện pháp gì để chống buôn người? Đã có những công ước quốc tế về quyền và bảo vệ trẻ em nhưng rõ ràng là như thế vẫn chưa đủ đúng không, thưa ông?
JOHN PASCOE: “Đúng. Tôi nghĩ chúng ta cần khuyến khích các nước Châu Á -Thái Bình Dương ký kết các công ước bảo vệ quyền trẻ em vì điều này vẫn chưa phổ biến ở đây. Tôi cho rằng nên có một hệ thống pháp luật về quyền trẻ em để trẻ em có quyền thực sự ngay từ khi sinh ra. Nó bao gồm cả quyền được biết quốc tịch, cha mẹ và nói chung là quyền được chăm sóc tốt.”
PV: Liệu điều này có thực sự ngăn chặn được những kẻ buôn người muốn kiếm tiền bằng bất cứ giá nào từ đồng loại của mình hay không?
PASCOE: “Nơi nào có tiền, con người sẽ tìm mọi cách để kiếm được. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mục đích của hệ thống pháp luật về quyền trẻ em là ngăn chặn những kẻ buôn người thực hiện các âm mưu của chúng. Việc bảo vệ biên giới cũng cần được tăng cường để khi có người ra khỏi biên giới quốc gia với một đứa trẻ không có tên trong hộ chiếu của họ thì người đó sẽ bị chất vấn khi đến nước khác và quan chức chính quyền không thể làm ngơ dù họ có đưa ra bất cứ lý do gì.”.
PV: Liệu các ông bố bà mẹ ở các nước phát triển có quan tâm đến nguồn gốc đứa con nuôi của mình hay không?
PASCOE: “Nhìn chung tôi nghĩ là không. Nhiều người trong số họ đơn thuần chỉ nghĩ rằng sẽ cho đứa trẻ một cuộc sống tốt hơn. Theo tôi, họ sẽ sợ hãi nếu biết đứa trẻ đã bị bắt cóc như một số trường hợp đã xảy ra khiến mẹ đẻ của đứa trẻ thực sự không biết con mình đang ở đâu.”







Nguồn SKĐS




Theo bau.vn