Cho con bú là bản năng của phụ nữ, tưởng chừng như điều đơn giản. Tuy nhiên, những người lần đầu làm mẹ vẫn có thể gặp không ít bỡ ngỡ





Cho bé bú sớm: Bạn nên cho bé bú lần đầu tiên khoảng 1 giờ sau khi sinh, vì lúc này, bé còn thức và bản năng bú rất mạnh. Khi đó, cơ thể người mẹ sản xuất ra sữa non - chất lỏng chứa kháng thể vô cùng tốt để bé chống lại các bệnh tật từ môi trường bên ngoài.
Tư thế đúng: Miệng của bé mở rộng, ngậm lấy toàn bộ đầu ti, còn đầu ti của bạn ở càng sâu trong miệng bé càng tốt. Như vậy, sẽ giúp giảm đau cho mẹ. Nếu thấy lúng túng, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của y tá, họ có kiến thức và sẽ giúp bạn tìm được tư thế đúng.
Cho bú thường xuyên: Bé mới sinh cần được bú thường xuyên, khoảng 2 tiếng/lần. Khoảng thời gian này vừa vặn để cơ thể mẹ sản xuất đủ sữa cho bé bú. Một điều nữa bạn cần chú ý là, sữa mẹ dễ tiêu hoá hơn sữa công thức, vì thế, trẻ bú sữa mẹ sẽ bú nhiều lần hơn trẻ ăn sữa ngoài.
Không cho bé uống thêm chất khác: Bé bú sữa mẹ không cần nước đường hoặc những chất bổ sung khác, vì chúng có thể làm ảnh hưởng đến sự thèm ăn của bé, làm nhu cầu bú sữa mẹ của bé giảm đi. Bạn nên nhớ, bé bú càng nhiều thì sữa mẹ cũng sẽ sản xuất ra nhiều để đáp ứng nhu cầu đó.
Hạn chế ti giả: Tốt nhất, bạn nên đợi đến khi bé được khoảng 2 tuần tuổi rồi mới cho bé ngậm ti giả để bé không bị lạ. Ti giả thường có những nét khác biệt với ti thật mà bé vẫn bú trước đó. Bú bình còn khiến bé lạ lẫm hơn rất nhiều so với ti mẹ.
Không khí khô ráo: Mỗi khi ngực bị căng cứng sữa, bạn nên để cho đầu ngực khô tự nhiên sau khi cho bé bú xong để tránh bị nứt, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Nếu đầu ti đã bị nứt, bạn hãy lấy một ít sữa bôi lên chỗ bị nứt để vết thương nhanh lành. Một biện pháp khác là bôi dầu vitamin E và mỡ cừu. Tuy nhiên, một số bé có thể bị dị ứng với hai loại chất này.

Đề phòng nhiễm trùng: Các triệu chứng nhiễm trùng ngực là sốt, sưng đau và đỏ ngực. Bạn cần đi khám ngay để điều trị nếu có những biểu hiện trên.
Giảm căng tức ngực: Không ít chị em mới sinh có rất nhiều sữa, khiến ngực trở nên to, nặng và đau trong nhiều ngày. Để giảm bớt tình trạng này, bạn cần cho bé bú thường xuyên đến khi cơ thể tự điều chỉnh được lượng sữa sản xuất ra cho đủ với bé. Trong thời gian này, bạn nên chườm nóng và tắm nước nóng để giảm bớt cảm giác đau.
Ăn ngủ hợp lí: Để sản xuất ra nguồn sữa tốt, bạn cần cung cấp thêm 500 calo và khoảng 2 lít nước cho cơ thể mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tranh thủ nghỉ ngơi hợp lí để tránh kiệt sức trong giai đoạn “bận rộn” này.
Thùy Linh (Tạp chí Bầu)
Bài liên quan
Bí quyết vàng để có nhiều sữa
Lợi sữa nhờ ăn mướp





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn