Phù chân khi mang thai làm bà bầu thấy khó chịu, mệt mỏi nhưng làm theo cách sau sẽ hiệu quả ngay.





Phù chân khi mang thai chẳng những làm bà bầu thấy khó chịu, mệt mỏi mà còn làm cho nhiều chị em cảm thấy mất tự tin khi diện trang phục về cái chân “cột đình” của mình. Cùng với nỗi lo làm cách nào để giảm sưng phù chân thì những trăn trở ăn mặc thế nào để che đi khuyết điểm “chân to” của mình cũng là đề tài được nhiều chị em quan tâm nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm giảm phù
Ngọc Hân ( Thanh Xuân- Hà Nội). Mình bắt đầu bị phù chân từ tuần 28 của thai kì, đỉnh điểm là tuần 32 thì chân mình to lắm. Đêm mình nằm có gác chân lên nhưng không cải thiện được mấy. Rồi bà nội làm cho mình cách như sau:Đun sôi râu ngô với nước, sau đó dùng uống thay nước hằng ngày, 3 ngày sau chân mình giảm phù nề trông thấy. Ngoài ra, nước râu ngô có tính mát giúp bà bầu thanh nhiệt và chống lại căn bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai.
Tường Vy (Hoàng Mai – Hà Nội): Mình mang thai đôi nên không tránh khỏi được việc phù chân, nhất là trong 3 tháng cuối càng nặng nề hơn. May mắn lúc đến nhà chị bạn mới sinh con chơi thì được chị ấy mách cho bài thuốc như sau: Chị đã bày cho mình cách nấu món cá quả với bí đao rất dễ mà nguyên liệu cũng lại dễ tìm. “Cá quả 1 con khoảng 250 g, bí đao 500 g, đậu đỏ 60, hành lá 3 cây. Sau khi nguyên liệu được làm sạch chỉ việc cho tất cả vào nồi luộc chín nhừ không cho muối, ăn trong ngày và ăn liên tiếp 3-4 ngày, chứng phù nề sẽ giảm.

Thanh Thúy (Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội) Biện pháp chống phù của mình là: ngồi gác chân lên, không ngồi lâu, ngủ kê cao chân, uống nhiều nước, ăn nhạt hơn, uống nước râu ngô, thường xuyên đi khám để kiểm tra nước tiểu và đo huyết áp. Ngoài ra các mẹ pha một thìa nước chanh (hoặc nước cam) vào cốc nước ấm và uống hàng ngày. Cách này rất hữu hiệu để giảm chứng phù nề ở chân cho mẹ bầu trong suốt thời kỳ mang thai.
Thanh Hương (Từ Liêm – Hà Nội): Mình thì hay sử dụng biện pháp mát xa như sau: Xoay tròn cổ chân theo một vòng tròn lớn và gập bàn chân lại, tiếp theo là xoay từng ngón chân theo chiều kim đồng hồ, sau đó đổi chân. Tập đều đặn 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần trong 10 phút là giảm hiện tượng phù chân.

Cách chọn trang phục
Những bộ trang phục phù hợp sẽ giúp bạn tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ khi mang thai đồng thời che đi những khuyết điểm từ đôi chân “cột đình” của mình. Một vài mẹo nhỏ giúp chị em chọn trang phục đẹp mà lại che được điểm yếu từ đôi chân của mình.
- Giày dép: dép rộng hơn kích cỡ chân của mình, giày thì nên chọn giày bệt hoặc giày có độ cao dưới 5 phân để vừa thoải mái, vừa không để lộ đôi bàn chân phù nề.
- Váy bầu: một chiếc váy có chiều dài qua đầu gối luôn là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Đồng thời, những chiếc váy đó nên được sử dụng chất liệu mềm mại, nhẹ nhàng, tạo sự uyển chuyển và quyến rũ. Kiểu dáng váy suông, chiều dài qua đầu gối sẽ có tác dụng khéo léo che đi cặp đùi to. Tuyệt đối không mặc ngang bắp chân hay trên dưới phần to nhất khoảng 3cm. Vì tỷ lệ khoảng hở sẽ làm người đối diện tập trung vào đúng nhược điểm của bạn.
-Quần bầu: Bạn không nên chọn những loại quần quá bó sát sẽ lộ khuyết điểm. Kiểu quần ống rộng, hơi ôm đùi, loe ống sẽ tạo cảm giác trông bạn như cao hơn và che đi phần bắp chân to

- Màu sắc: Nên chọn hoa văn nhỏ nhắn và các chi tiết trang trí theo chiều dọc. Những gam váy màu tối hoặc hoạ tiết nhỏ li li sẽ rất phù hợp để bạn quên đi những lo âu về cặp chân to. Lứu ý các mẹ bầu có chân phù không nên chọn váy màu sáng quá sẽ khiến người khác nhìn thấy chân bạn to hơn, nên chọn cho mình những váy tông màu nhã nhặn hoặc trầm một chút sẽ giúp bạn vừa đẹp mà che đi “khuyết điểm” của mình.
Tường Lâm



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn