Chứng tê nhức chân tay rất hay gặp ở thai phụ, nhất là những tháng cuối của thai kỳ và không ít người băn khoăn liệu điều này có nguy hiểm không?







Nếu chứng tê tay chân chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện ở người bình thường, thì hiện tượng này thường xuyên quấy rối thai phụ, nhất là khi thai càng lớn. Có lẽ, nhiều chị em không lạ với tình trạng nửa đêm giật mình thức giấc, thấy tay hoặc chân như mất cảm giác, rồi lại có lúc như có kim châm, có kiến bò. “Kẻ phá bĩnh” này sẽ rất phiền hà khi xuất hiện vào ban đêm. Bởi dù được coi là lành tính, nó cũng sẽ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của thai phụ.

1. Nguyên nhân của hiện tượng tê chân tay

Tê tay chân là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhất là từ tháng thứ 5-6 cho đến hết thai kỳ. Khi thai lớn, thai phụ cũng tăng cân, đồng thời thai to chèn ép các mạch máu. Việc tuần hoàn máu khó khăn khiến chân tay dễ bị tê mỏi.

Mặt khác do thai phụ lười vận động, hoặc tay chân bị chèn ép khi ngủ, hoặc thực hiện một số tư thế đứng, ngồi xổm quá lâu… làm máu kém lưu thông. Một số thai phụ có dấu hiệu bị phù nề, gây ra hiện tượng rãnh cổ tay bị sưng gây co kéo các dây thần kinh, làm đầu ngón tay bị tê, có khi lan ra cả bàn tay.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân thuộc về bệnh lý, như thai phụ bị thiếu vitamin và khoáng chất, nhất là canxi và magie, B1, B2, axit folic, bị tổn thương dây thần kinh ngoại vi. Một số bệnh nặng hơn như đái tháo đường, cao mỡ máu, béo phì… cũng là nguyên nhân của chứng tê tay chân.

2. Triệu chứng

Thông thường, chứng tê tay chân khởi phát khá nhẹ nhàng. Đó là cảm giác tê tê ở đầu ngón tay, chân, giống như bị châm chích, kiến bò bên trong. Trường hợp nặng hơn, có thể kèm theo cảm giác nóng, hơi đau nhức. Triệu chứng này có khi xuất hiện ở ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân, cổ chân, cổ tay, vùng thắt lưng, đùi, mông…

Với bà bầu, thông thường tê tay chân là hiện tượng sinh lý bình thường không cần phải điều trị. Bà bầu chỉ cần lưu tâm và đi khám trong trường hợp bị tê kèm theo các triệu chứng lơ mơ dù trong giây lát, không nhấc nổi cánh tay, càng tê hơn khi đi bộ hay các dấu hiệu bất thường khác như hoa mắt, co cơ... bởi nó rất có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường, rối loạn chức năng gan, rối loạn chức năng chuyển hóa hay dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch, thiếu chất…

3. Biện pháp khắc phục

Thường xuyên vận động: Ở bà bầu, khả năng lưu thông máu sẽ kém hơn người bình thường. Vì thế mỗi ngày, nên thường xuyên khởi động các khớp tay chân và tập các bài tập dành cho bà bầu.

Tư thế ngủ thoải mái: Không dùng cánh tay mình để gối đầu hay cho trẻ gối đầu. Trong lúc ngủ, nếu thấy bị tê thì nhanh chóng thay đổi tư thế ngủ để máu lưu thông tốt hơn.

Tư thế ngồi, làm việc đúng cách: Khi làm việc với máy tính, nên tranh thủ đi lại, vận động các khớp. Lúc ngồi xem ti vi, hãy gác hai chân lên, cánh tay nên đặt trên thành ghế để tránh tê mỏi.

Khám bác sĩ: Khi thấy những triệu chứng bất thường, thai phụ hãy đi khám bác sĩ. Không tự ý uống thuốc, kể cả bổ sung các chất như canxi dưới dạng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn