Phụ nữ mang thai sức đề kháng yếu hơn bình thường nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virut gây bệnh. Tình trạng ngộ độc thức ăn rất dễ xảy ra với phụ nữ mang thai nếu sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh.






Phụ nữ mang thai sức đề kháng yếu hơn bình thường nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virut gây bệnh. Tình trạng ngộ độc thức ăn rất dễ xảy ra với phụ nữ mang thai nếu sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh. Ở từng giai đoạn của thai kỳ, mức độ ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm từ mẹ tới thai nhi khác nhau tùy thuộc mức độ độc tính của vi khuẩn.
Ngộ độc thức ăn thường xảy ra sau khi ăn khoảng 30 phút, có thể sau 2 - 3 giờ, cũng có khi sau vài ngày.
Phụ nữ mang thai khi bị ngộ độc thực phẩm cũng thường gặp các triệu chứng như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy phân lỏng hàng loạt. Ngoài ra, còn có thể có các triệu chứng thần kinh và toàn thân như nhức mỏi cơ thể, mê sảng, co giật...




Tùy thuộc mức độ độc tính của vi khuẩn có trong thức ăn mà người mẹ ăn vào, độc tính của vi khuẩn qua nhau thai đến thai làm ảnh hưởng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào tuổi thai. Với người mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, ngộ độc thức ăn ảnh hưởng lên thai nhi: dọa sảy thai, sảy thai hay thai chết lưu. Trường hợp thai trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, khi người mẹ bị ngộ độc thức ăn, thai nhi chậm phát triển, thai suy và nặng hơn nữa có thể sinh non, thai chết lưu.
Trong thực phẩm luôn chứa các loại sinh vật nguy hại như vi khuẩn, kí sinh trùng và virut gây ra ngộ độc thực phẩm như: E.coli, salmonella, campylobacter, listeria,… Đặc biệt, đối với vi khuẩn listeria, một loại vi khuẩn tìm thấy trong đất và nước, có thể được tìm thấy trên rau, thịt và các sản phẩm từ sữa, cũng như trong thực phẩm chế biến như pho mát mềm và thịt nguội, mặc dù có thể không quá nguy hiểm đối với người khỏe mạnh, nhưng ở phụ nữ mang thai bị nhiễm có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể gây nhiễm trùng phôi thai và có thể dẫn đến sẩy thai.
Do đó, phụ nữ khi mang thai, ngoài việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cần hết sức chú ý đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến, lựa chọn những thực phẩm an toàn. Thức ăn, nước uống phải được nấu chín kỹ và đun sôi. Không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp,… Ngay khi có biểu hiện ngộ độc thực phẩm cần gây nôn bằng cách cho ngón tay sạch vào họng để kích thích nôn để nôn ra cho hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột đối với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày, sau đó đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn