Dinh dưỡng trong sữa mẹ vắt ra có tốt hay không còn tùy thuộc vào việc bảo quản sữa có tốt hay không. “Sức bền” của sữa mẹ có thể khiến bạn bất ngờ đấy. Cùng kiểm tra xem bạn đã nắm vững các nguyên tắc khi bảo quản và dự trữ nguồn dinh dưỡng quý giá này cho bé yêu của mình chưa nhé!






Dinh dưỡng trong sữa mẹ vắt ra có tốt hay không còn tùy thuộc vào việc bảo quản sữa có tốt hay không. Việc bảo quản sữa mẹ sẽ tốt không chỉ phục vụ cho việc mở rộng không ngừng “kho” dự trữ cho con mà còn giúp đảm bảo sức khỏe của bé khi thưởng thức sữa, vốn là món ăn chính trong khẩu phần của những bé mới sinh cho đến tận 1 tuổi.
Bảo quản như thế nào là tốt?

1. Càng lạnh càng tốt
Thông thường, sữa không còn tươi ngon khi để quá vài giờ ở nhiệt độ thường. Sữa mẹ làm nên sự khác biệt khi có thể giữ nguyên độ an toàn đến tận 6 giờ sau khi được vắt ra. Tuy nhiên, với nhiệt độ cao của vùng nhiệt đới, tốt hơn hết, mẹ nên giữ lạnh sữa càng sớm càng tốt trong vòng 4 giờ sau khi vắt.

Ngay cả khi đi du lịch và không thể chở theo chiếc tủ lạnh cồng kềnh, bạn vẫn có thể trữ sữa trong một túi cách nhiệt và bỏ vào đó một chiếc túi chứa gel làm lạnh. Sữa mẹ có thể sử dụng tốt trong vòng 24 giờ nếu được bảo quản theo cách này.

Một khi đã được để lạnh, sữa vẫn ngon cho đến tận 2-3 ngày sau đó. Và bạn có thể để đông đá để giúp sữa giữ được chất lượng lâu đến 2-3 tuần.

2. Cần đặt đúng chỗ
Thời gian bảo quản sẽ được tăng lên nếu bạn đặt sữa mẹ ở sâu phía trong tủ lạnh chứ không phải là nơi cánh cửa.

Đối với loại tủ lạnh chỉ có 1 cánh cửa chung cho cả ngăn đá và các ngăn còn lại, sữa mẹ đông lạnh giữ được độ tươi đến 2-3 tuần.

Nếu đó là chiếc tủ lạnh có 2 cánh cửa riêng cho ngăn đá và các ngăn lạnh thông thường, sữa mẹ có thể được bảo quản đến 3 hoặc 6 tháng.

Còn nếu đó là một chiếc tủ kem, hạn sử dụng của sữa mẹ có thể tăng lên từ 6 đến 12 tháng.

Khi đã rã đông, sữa mẹ có thể dùng được trong vòng 24 giờ

3. Các mẹo hữu ích
Thật là tiện lợi khi bạn có thể tạo nên một ngăn dự trữ đầy sữa mẹ trong chiếc tủ lạnh gia đình của mình. Để tăng thời gian dự trữ đến mức tối đa, bạn hãy chú ý một số bí quyết dưới đây nhé:

-Rửa tay sạch trước khi vắt sữa

-Sử dụng dụng cụ vắt sữa và bình chứa đã được tiệt trùng

-Dự trữ sữa ngay khi vừa được vắt ra

- Không tái đông sữa mẹ sau khi đã được rã đông.

Xem thêm: 9 điều cấm kị khi nuôi con bằng sữa mẹ
Cách duy trì nguồn sữa mẹ
Sữa mẹ có thể truyền hóa chất độc hại sang cho con

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn