Chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/1500 nhưng những trẻ sơ sinh bị nhiễm mụn rộp từ mẹ khi mang thai hoặc trong ca sinh thường đối mặt với rất nhiều nguy hiểm






1/ Rủi ro cho thai nhi
Bệnh mụn rộp sinh dục gây ra bởi virus Herpes. Virus có thể lan truyền từ mẹ qua bé ngay khi ca sinh diễn ra. Nguy cơ lây truyền cao hơn khi người mẹ bị herpes lần đầu tiên (nhiễm trùng lần đầu) vào cuối thai kỳ.
Trong trường hợp hiếm gặp, virus có thể lây lan cho bào thai ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Ở trường hợp này, người mẹ có thể bị sảy thai hay bé sinh ra sẽ bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
2/ Vậy bà mẹ có nên sinh mổ?
Nếu bà bầu nhiễm herpes trước ba tháng cuối thai kỳ hoặc trước khi có thai, và không có triệu chứng của một ổ dịch khi vỡ nước ối hoặc khi bắt đầu chuyển dạ, bà mẹ đó có thể sinh thường và nên cố gắng sinh qua ngả âm đạo.
Trong trường hợp này, nguy cơ em bé mắc bệnh ít hơn 1%. Đó là vì cơ thể mẹ đã bắt đầu phát triển các kháng thể chống lại vi rút herpes ngay sau lần đầu tiên bị nhiễm, và các kháng thể này được chuyển sang cho em bé qua nhau thai. Trong 6 đến 12 tuần, em bé sẽ có một số khả năng miễn dịch từ việc tiếp nhận các kháng thể từ bạn, giúp bảo vệ bé ngay cả khi bạn phát tán vi rút một cách vô tình đi nữa.
Trái lại, nếu cơ thể mẹ đang có một ổ dịch hoặc các triệu chứng của một ổ dịch sắp xảy ra khi vỡ nước ối hoặc khi chuyển dạ, nên mổ lấy thai. Trường hợp này xảy ra nếu bạn có bất kỳ vết thương có thể nhìn thấy trên cổ tử cung, âm đạo, hoặc bộ phận sinh dục bên ngoài, hoặc bất cứ triệu chứng như ngứa, rát hay đau đớn, báo hiệu một đợt bùng phát sắp xảy ra.




Những mụn nước trên da là dấu hiệu nhận biết căn bệnh này

3/ Mẹ có thể cho con bú khi bị herpes?
Mẹ có thể cho bé bú, ngay cả bạn có một ổ dịch herpes, miễn là không có bất cứ tổn thương nào trên ngực. Nếu các tổn thương chỉ xuất hiện trên một bên ngực, mẹ có thể cho bé bú ở bên ngực còn lại. Hãy chắc chắn vệ sinh vùng da tổn thương kĩ, băng bó tổn thương bằng băng gạc sạch sẽ.
4/ Nếu mẹ bị loét miệng, cần lưu ý những gì?
Nếu mẹ bị lở miệng hoặc đau trong miệng, không bao giờ được hôn bé cho đến khi các vết loét hay cơn đau biến mất hoàn toàn. Các chuyên gia khuyên rằng mẹ nên đeo khẩu trang y tế loại dùng một lần để che chắn vết lở loét bất cứ khi nào bạn chăm sóc bé cho đến khi toàn bộ vết lở đóng vảy và khô lại.

 Nếu thường xuyên bị lở miệng, mẹ hãy hỏi bác sĩ của bạn để được chỉ định một loại thuốc kháng vi rút nhằm ngăn chặn sự bùng phát. Và nếu mẹ đã từng bị mụn rộp ở miệng, tuyệt đối không được cắn móng tay cho bé bằng răng của mình.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn