Bánh nhau được hình thành cùng với sự phát triển của thai nhi, chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp chất dinh dưỡng và nuôi thai. Tuy nhiên, một số bất thường về vị trí bám của nhau thai có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe mẹ bầu và cản trở "đường ra" của thai nhi.






1/ Nhau tiền đạo là gì?
Nhau thai là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Thông thường, nhau thai sẽ bám vào mặt trước hoặc mặt sau đáy tử cung. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nhau thai nằm thấp một cách bất thường, bánh nhau che một phần hoặc che kín toàn bộ cổ tử cung. Trường hợp này được gọi là nhau tiền đạo.
Tùy vị trí nhau thai hình thành, có thể chia thành những loại nhau tiền đạo sau:
- Nhau tiền đạo bám thấp: Phần lớn bánh nhau bám vào thân tử cung, chỉ có một đoạn nhỏ bám vào đoạn dưới tử cung. Nhau bám thấp thường chỉ gây chảy máu nhẹ, nhưng hầu hết sẽ làm vỡ ối sớm.
- Nhau tiền đạo bám bên: Bánh nhau bám vào đoạn dưới nhưng chưa tới cổ tử cung, gây chảy máu âm đạo nhẹ.
- Nhau tiền đạo bám mép: Bờ của bánh nhau sát mép cổ tử cung.
- Nhau tiền đạo bán trung tâm (nhau tiền đạo trung tâm không hoàn toàn) : Bánh nhau che kín một phần cổ tử cung. Khi tử cung mở hết có thể sờ thấy múi nhau và màng ối.
- Nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn: Bánh nhau che kín cổ tử cung, loại này thường gây chảy máu nhiều và rất nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu.



Những vị trí bám bất thường của nhau thai

2/ Nhau tiền đạo có nguy hiểm không?
Sẽ không phải là một vấn đề lớn nếu nhau tiền đạo được phát hiện trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Khi thai lớn lên, phần cơ phía dưới gần cổ tử cung sẽ kéo dài ra, bánh nhau vì vậy sẽ được “đẩy” lên phía trên. Không thiếu những trường hợp đươc chẩn đoán nhau thai bám thấp trong 3 tháng đầu nhưng vào tháng cuối thai kỳ, bánh nhau lại cách xa cổ tử cung.
Trường hợp nhau tiền đạo được phát hiện trong tam cá nguyệt thứ ba thường gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn. Mẹ bầu có thể bị chảy máu âm đạo nặng, gây mất máu, thậm chí có thể tử vong. Thai nhi dễ bị sinh non, suy thai do thiếu máu. Tỷ lệ tử vong của thai nhi trong những trường hợp này khá cao, khoảng 30 – 40%.

3/ Nguyên nhân xuất hiện nhau tiền đạo
Không có một nguyên nhân rõ ràng trong các trường hợp hình thành nhau tiền đạo, nhưng khả năng xuất hiện nhau tiền đạo sẽ cao hơn nếu mẹ bầu nằm trong những trường hợp sau:
- Đã từng xuất hiện nhau tiền đạo trong lần mang thai trước.
- Đã từng sinh mổ.
- Đã thực hiện một số phẫu thuật khác như loại bỏ u xơ, u nang tử cung, nạo phá thai…
- Đã mang song thai hoặc đa thai
- Tiền sử hút thuốc lá
- Thai phụ càng lớn tuổi, nguy cơ thai tiền đạo càng cao

4/ Làm gì khi được chẩn đoán nhau tiền đạo?
Nếu siêu âm theo dõi và phát hiện nhau tiền đạo, mẹ bầu sẽ được khuyến cáo nên tránh quan hệ khi mang thai và các hoạt động có thể gấy chảy máu âm đạo, chẳng hạn như tập thể dục hoặc các hoạt động nặng.
Nếu xuất hiện nhau tiền đạo trong tháng cuối thai kỳ, có nhiều khả năng bạn sẽ được chỉ định sinh mổ, thậm chí trong trường hợp nhau thai chỉ giáp với cổ tử cung. Trong trường hợp mẹ bầu ra máu qúa nhiều, cần đến bệnh viện ngay để được theo dõi và chăm sóc.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn