(bau.vn): Khi thai nhi nằm trong tử cung của người mẹ, xung quanh thai được bao bọc một lớp nước ối có tác dụng nuôi dưỡng thai và bảo vệ cho thai tránh những tác động bên ngoài. Do vậy, lượng nước ối quá nhiều hay quá ít sẽ gây ảnh hưởng tác động đến thai nhi..





Thiểu ối (cạn ối):
Là tình trạng lượng nước ối bị giảm dẫn đến các khoang ối không có hoặc có rất ít nước ối, các chi và thân thai nhi áp sát vào thành tử cung. Nguyên nhân gây thiểu ối có thể do bất thường hệ thống tiết niệu của thai nhi hoặc hội chứng bất thường thai gồm các dấu hiệu: bất thường ở chi, đầu, ở mặt và thiểu sản phổi. Khi thấy thiểu ối, thai phụ cần được bác sĩ thăm khám xem có vỡ ối và cần kiểm tra lại hình thái học của thai nhi.
Trong trường hợp thiểu ối, thai nhi có bất thường, nên chỉ định đình chỉ thai nghén. Nếu chưa phát hiện bất thường gì thì theo dõi thai nghén và uống nhiều nước hơn bình thường hoặc uống nhiều nước dừa theo như một số người mách bảo.





Lượng nước ối nhiều hay ít quá đều có ảnh hưởng đến thai nhi (google images)

Đa ối (dư ối)
Lượng nước ối tăng lên hơn nhưng thai nhi vẫn còn tiếp xúc với thành tử cung phía trước. Đa ối thường xuất hiện vào giai đoạn đầu của 3 tháng cuối thai kỳ và sớm hơn thì gặp trong những trường hợp đa thai. Nguyên nhân có thể do bất thường về thai nhi như hẹp thực quản, hẹp ống tiêu hóa, tổn thương thần kinh, thoát vị hoành.
Dư ối nếu không có bất thường thai thì theo dõi thai đến đủ tháng và theo dõi chuyển dạ, nhưng vì nhiều ối nên dễ gây đẻ non hoặc ngôi thai bất thường và khi vỡ ối gây sa dây rốn. Trong trường hợp đa ối là thai phụ bụng căng to, khó thở thì cần phải được nằm viện theo dõi và tùy thuộc vào chẩn đoán có thể được chỉ định chọc hút bớt nước ối.


Tiến sĩ Lưu Thị Hồng – Phó vụ trưởng vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn