Nhiều phụ nữ trong quá trình mang thai đã kiêng không dám ăn loại rau này đến tận khi sinh nở vì nghĩ rằng, ăn nhiều sẽ bị sảy thai.





Mang thai đoạn tuyệt rau ngót?
Từ khi bắt đầu mang thai, chị Hà Thị Dinh (Đông Hưng - Thái Bình) đã được mẹ và mọi người dặn dò là không được ăn rau ngót vì trong rau có chất làm co bóp dạ con dễ dẫn đến sảy thai.
Vì thế, suốt thời gian có bầu, chị không hề động vào một lá rau ngót hay uống một ngụm canh nào. Nhà có hai người nhưng nhiều hôm chồng một nồi rau vợ một nồi rau, chồng ăn canh rau ngót còn vợ thì ăn rau cải luộc. Ăn trưa ở văn phòng, hễ có canh rau ngót chị đều nhường cho mọi người.
“Mình ốm nghén, chẳng thích ăn loại rau gì trừ rau ngót thế nhưng lại nghe bảo ăn rau ngót không tốt cho bà bầu nên không dám ăn nữa"- chị Dinh nói.
Chị cho biết nhiều khi nhìn mọi người ăn canh rau ngót nấu thịt mà đến phát thèm, định ăn một bát nhưng lại thôi vì thấy sợ .
"Các cụ ta nói có kiêng có lành mà. Với lại mình mới mang thai lần đầu nên phải cố giữ, cố kiêng, nhỡ có chuyện gì không tốt với thai nhi”- chị tâm sự.

Cũng được nghe những lời khuyên tương tự như vậy, nên trong thực đơn bữa ăn hàng ngày của chị Nguyễn Thị Huyền (An Tường, Tuyên Quang), rau ngót đã trở thành loại rau cấm ăn trong gia đình.
Chị cho biết cấm ăn là vì theo kinh nghiệm dân gian mọi người nói với chị, bà bầu không được ăn rau ngót, rau ngót có tác dụng làm sạch ruột, như vậy nếu ăn nhiều sẽ dẫn đến sảy thai. Chỉ nên ăn rau ngót sau khi sinh hoặc là khi bị sảy, nạo thai.
Vì thế mặc dù rất thích ăn rau ngót nhưng chị tuyệt đối không dám ăn, vì đang mang thai tháng thứ 2.

Bà Bầu bình thường vẫn có thể ăn rau ngót luộc hay nấu canh
“Thôi cứ kiêng được cái gì thì kiêng. Từ xa xưa các cụ kiêng như thế, nên mình cũng nghe theo cho an toàn mặc dù nhiều lúc thèm lắm.”- chị Huyền nói.
Không chỉ có chị Huyền, chị Dinh mà còn có rất nhiều bà bầu khác cũng tin và làm theo kinh nghiệm dân gian ấy trong thời kỳ mang thai. Không biết thực hư chuyện này ra sao nên rất nhiều người đành từ bỏ một loại rau vừa bổ vừa lành trong bữa ăn hằng ngày của mình.
Có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, con quý hiếm thì nên hạn chế
Theo bác sĩ Hương - Khoa Phụ sản - Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, ăn rau ngót làm sảy thai hay không thì cũng không dám khẳng định. Vì tác dụng gây sảy thai của rau ngót, chưa có tài liệu nào nghiên cứu. Mới biết trong rau ngót có 5,3% protit, 3,4% gluxit, 2,4 tro, trong đó chủ yếu là canxi (169mg%), photpho (64,5mg%), Vitamin C (185mg%).
Rau ngót có nhiều axit min cần thiết. Ví dụ như trong 100g rau ngót có 0,16g lysin; 0,13g metionin; 0,05g tryp-tophan; 0,25g phenylalalin, 0,34g treonin, 0,17g valin, 0,24g leuxin và 0,17g izoleucin ....
Chỉ biết, theo kinh nghiệm dân gian, phụ nữ sau đẻ, sau sảy, sau nạo chữa sót rau nhau bằng cách: Hái độ 40g lá rau ngót. Rửa sạch dã nát. Thêm một ít nước đã đun sôi để nguội vào. Vắt lấy chừng 100ml nước. Chia làm hai lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút. Sau chừng 15-20 phút nhau sẽ ra.
Thực tế thì có rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai đôi khi vẫn ăn canh rau ngót bình thường mà vẫn không sảy (không phải nước rau ngót giã sống).
Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của mỗi sản phụ là khác nhau. Những thai phụ có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, con quý hiếm (thụ tinh trong ống nghiệm) thì nên hạn chế ăn rau ngót đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao. Cũng theo kinh nghiệm dân gian dùng rau ngót để chữa chậm kinh có hiệu quả.
Phụ nữ mang thai bình thường thỉnh thoảng vẫn có thể ăn rau ngót luộc hay nấu canh. Nhưng, phải chọn những loại rau ngót sạch, tươi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh ngộ độc-bác sĩ Hương cho biết.
Theo Bee

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn