Thai nhi càng lớn càng khiến trọng tâm của cơ thể dồn về phía trước, lưng và eo căng ra, chịu nhiều áp lực và dẫn đến đau nhức. Những phương pháp sau đây có thể giúp bạn giảm bớt sự đau mỏi, nhất là gần cuối thai kỳ.






Một số bài tập kéo dãn
- Bài tập 1: Khoanh hai bàn chân chạm vào nhau, hai tay chống sau hông, hai đầu gối chủ động dùng lực ép xuống mặt đất, kéo dãn các khớp hông và đùi, đồng thời thở ra hít vào tự nhiên, duy trì trong 15 phút.
- Bài tập 2:
+ Động tác 1: Ngồi quỳ hai gối chụm lại, tay duỗi thẳng xuống sao cho đầu và sống lưng tạo thành một đường thẳng.
+ Động tác 2: Khi hít thở, cúi đầu khom lưng, đồng thời giơ hai tay ngang trước mặt sao cho đầu kẹp giữa hai cánh tay, phối hợp với hít thở đều, lặp lại 5 - 8 lần.
- Bài tập 3: Quỳ tách hai đầu gối hết cỡ, phần mông ngồi trên hai bàn chân, cố gắng khom người về phía trước sao cho phần trán càng gần đất càng tốt, kéo dãn phần lưng eo và khớp hông, duy trì trong 15 phút.
- Bài tập 4: Đứng dang hai chân, một tay chống vào ghế, ra sức kéo dãn cơ thể, duy trì trong 15 phút, thay đổi trái phải.
* Lưu ý: Các bài tập trên không áp dụng cho người bị tiểu đường, cao huyết áp... Nếu không có các triệu chứng trên, tình trạng cơ thể tốt và bắt đầu vận động từ khi mang thai, bạn có thể yên tâm tập luyện. Mỗi ngày, bạn dành ra khoảng 5 phút để tập luyện, sẽ giúp ích cho việc giảm bớt đau nhức và chuẩn bị tốt cho sinh nở.
Cách ứng phó với đau mỏi
Ngoài việc tập luyện những bài tập trên, bạn nên tham khảo thêm các phương pháp sau:
- Đau mỏi ở mông và đùi: Do tư thế thay đổi và áp lực đè lên các dây thần kinh vùng xương chậu, dẫn đến phần mông và đùi đau nhức. Do vậy, bạn cần tăng cường sức chịu đựng của cơ bụng, hoặc ngủ giường cứng cũng là một biện pháp đề phòng đau mỏi cho mông và đùi.
- Cẳng chân bị chuột rút: Nếu thường xuyên bị co rút, bạn nên chú ý hơn để đề phòng và chữa trị. Cần đảm bảo rằng, các bữa ăn phải đầy đủ calci và thường xuyên kéo dãn phần cẳng chân. Khi bị chuột rút, nên trực tiếp kéo dãn cẳng chân, giơ ngón chân lên, rồi nhờ chồng dùng tay kìm chặt bàn chân và nhẹ nhàng kéo dãn cẳng chân của bạn. Sau khi giảm dần, vẫn nhờ ông xã massage phần bắp thịt cẳng chân, hoặc chườm nóng cẳng chân.
- Lưng dưới đau nhức và bụng nặng: Bụng càng to và nhô ra thì phần lưng dưới lại càng lõm vào, nên cảm giác đau nhức càng thể hiện rõ hơn. Đặc biệt mỗi khi phải đứng lâu, phần bụng sẽ càng ngày càng nặng, khớp xương hông cũng trở nên nhão hơn và sẽ ảnh hưởng đến bước đi của bạn. Do vậy, bạn luôn cần duy trì tư thế đứng chuẩn, các bước đi nên chậm rãi, nhẹ nhàng, tránh đi nhanh đề phòng nguy cơ bị ngã.

Minh Hương
Tạp Chí Bầu số 56-57, 10/01/2014

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn