Trà là một thức uống được nhiều gia đình lựa chọn, nhất là trong những ngày Tết. Vậy, bà bầu có nên thưởng trà hay không? Nếu có, thì sử dụng như thế nào để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bản thân và em bé?







Lợi ích khi uống trà…

Trong lá trà có chứa những thành phần hữu ích như vitamin C, kẽm. Với một số bà bầu có khẩu vị kém, uống trà không những có thể bổ sung những nguyên tố cần thiết cho mẹ và bé, mà còn giúp điều chỉnh khẩu vị, tăng cảm giác thèm ăn.

Nếu mỗi ngày, thai phụ uống khoảng 3 - 5gr trà, đặc biệt là trà xanh loãng, thì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho việc tăng cường chức năng tim thận, thúc đẩy tuần hoàn máu, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa sưng phù, thúc đẩy sự phát dục của thai nhi v.v…

Và những tác hại

Ngoài một số ích lợi kể trên, việc uống trà cũng đem đến không ít tác hại cho các bà bầu. Trong lá trà có chứa 2% - 5% cafein, nên nếu dùng một lượng lớn nước trà đậm đặc, nhất là trà đỏ, sẽ gây ra tác dụng hưng phấn nhất định đối với cơ thể người mẹ, dẫn đến kích thích tăng lên khiến dễ động thai, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát dục của thai nhi và làm cho thể trọng bé giảm xuống.

Trong lá trà còn chứa các chất như acid tannin, theophylline, caffein, đặc biệt là acid tannic, có thể kết hợp với nguyên tố sắt tạo thành một loại hợp chất không thể được cơ thể hấp thu, gây trở ngại cho sự hấp thu sắt của thai phụ. Do đó, nếu uống quá nhiều trà đậm có thể dẫn đến nguy cơ thiếu máu khi sinh, thai nhi cũng có thể bị thiếu máu do khiếm khuyết nguyên tố sắt bẩm sinh.

Uống trà đặc thời gian dài còn khiến tim đập nhanh, lượng nước tiểu nhiều hơn, tuần hoàn máu tăng nhanh. Đó đều là những nhân tố tăng thêm nguy cơ mắc bệnh tim, thận cho những bà bầu có cơ thể suy nhược.

Thưởng trà sao cho đúng?

- Dùng với liều lượng vừa phải: Trong trà chứa nhiều loại vi sinh tố có thể làm tan mỡ, tăng cường sự hưng phấn thần kinh và dễ tiêu hóa, lợi tiểu. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà dùng càng nhiều càng tốt. Thông thường, mỗi ngày chỉ nên uống 1 - 2 lần, mỗi lần khoảng 2 - 3gr là thích hợp nhất.

- Hạn chế dùng trà mới: Trà còn mới cần được cất giữ khoảng nửa tháng trở lên. Vì nếu thời gian quá ngắn, trong trà còn rất nhiều chất như polyphenol, aldehyde và cồn chưa qua oxy hóa, sẽ có tác dụng tăng cường kích thích mạnh đối với niêm mạc đường tiêu hóa, dễ gây ra đau dạ dày,

- Không nên uống trà quá đậm: Uống trà đậm đặc có thể khiến “độ hưng phấn” tăng cao quá mức, ảnh hưởng bất lợi cho hệ thần kinh, hệ thống mạch máu của tim. Người bị mắc bệnh về tim mạch sau khi dùng trà đậm có thể xảy ra hiện tượng tim đập nhanh, nhịp tim hỗn loạn, khiến bệnh tình nặng hơn.

- Không nên uống nước trà đầu tiên: Lá trà trong quá trình hái tỉa và gia công sẽ bị nhiễm các chất có hại nhất định trên bề mặt. Vì vậy, trà pha nước đầu chỉ có tác dụng “gột rửa”, nên cần phải đổ đi và pha nước thứ hai.

- Không nên uống trà trước khi ngủ: Điều này đặc biệt quan trọng đối với người mới dùng trà. Rất nhiều người trước khi ngủ lại uống trà, khiến giấc ngủ trở nên khó khăn hơn, thậm chí là ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần cả ngày hôm sau. Người có thần kinh suy nhược và chứng mất ngủ cũng nên chú ý hơn.

- Không uống trà khi bụng đói và sau bữa ăn: Uống trà khi đói sẽ làm giảm chức năng tiêu hóa của dạ dày, gây ra các triệu chứng chóng mặt, tim hồi hộp, tay chân mất sức. Trong lá trà chứa một lượng lớn acid tannic có thể xảy ra phản ứng với nguyên tố sắt trong thức ăn, tạo thành hợp chất mới khó phân giải. Tình trạng diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn đến chứng thiếu máu. Do đó, cách dùng hợp lý nhất là nên uống trà sau bữa ăn khoảng một giờ.

- Không nên uống trà sau khi dùng rượu bia: Theophylline trong trà có thể nhanh chóng gây ra tác dụng lợi tiểu đối với thận, khiến cho acetaldehyde chưa phân giải đi vào thận quá sớm. Acetaldehyde có tác dụng kích thích đối với thận, gây ảnh hưởng đến chức năng của thận. Không chỉ vậy, sau khi uống rượu bia, acetaldehyde còn kích thích rất lớn đến huyết quản tim, gây hưng phấn quá độ.

- Kị uống trà khi bị sốt: Theophylline trong trà sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể. Do vậy, người bị sốt mà uống trà vào thì không khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”.


Minh Phượng

Tạp Chí Bầu số 56-57, 10/1/2014



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn