Trong khi một số bà mẹ bị dọa sinh non đang cố gắng từng ngày để kéo dài thời gian con ở trong bụng mẹ thì một số mẹ khác lại không quá coi trọng việc phải chờ đến ngày chuyển dạ mới đón bé cưng chào đời. Do yếu tố tâm linh hoặc do áp lực từ gia đình, nhiều mẹ quyết định cho con "ra riêng" trước thời hạn mà không biết mình vừa tước đi cơ hội phát triển trí não tối ưu của trẻ






Theo thống kê, trong khoảng thời gian gần đây, tỷ lệ mổ lấy thai ở nước ta có xu hướng tăng đáng kể. Đặc biệt, trong một cuộc khảo sát trên 423 bà mẹ ở Hà Nội cho thấy, trong khoảng 30% trường hợp sinh mổ có tới hơn 14% do mong muốn chọn ngày sinh con và 16,7 % là do tác động từ phía gia đình. Thậm chí, ở đồng bằng sông Cửu Long, tại một vài thời điểm nhất định trong năm, tỷ lệ sinh mổ có thể chiếm tới 60% các ca sinh nở.
Y học ngày càng tiên tiến đồng nghĩa với việc càng có nhiều gia đình có ý định can thiệp vào thời gian mang thai với hy vọng chọn ngày “vàng”, giờ “vàng” để bé cưng có số mạng và cuộc sống tốt về sau. Chưa biết chọn ngày sinh con mang lại lợi ích gì cho tương lai sau này của trẻ, nhưng theo các chuyên gia, việc cho bé chào đời sớm khi chưa “đủ tuổi” có thể gây một vài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ sau sinh.




Chào đời “đúng hạn”, con được nhiều lợi thế hơn

1/ Nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn
Thông thường, bắt đầu từ tuần thứ 37 của thai kỳ, phổi của thai nhi mới phát triển mạnh mẽ để chuẩn bị cho quá trình chào đời. Vì vậy, nếu “bị bắt” ra ngoài sớm hơn dự định, trẻ có nguy cơ bị suy hô hấp cao hơn bình thường do phổi chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, trẻ sinh non thường có cân nặng thấp, dễ bị mất thân nhiệt và sức đề kháng thấp hơn hẳn nên rất dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn gây bệnh.
2/ Khả năng học tập bị ảnh hưởng
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ cho thấy, những bé ở trong bụng mẹ “đủ ngày, đủ tháng” có não phát triển và kết quả học tập tốt hơn những bé bị cho “ra riêng” trước thời hạn.
Nghiên cứu tiến hành trên 128.000 trẻ em ở Mỹ được sinh ra trong khoảng thời gian từ tuần thứ 37 – 41, trong đó có khoảng 15% các trường hợp sinh mổ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với những bé chào đời đúng ngày, những bé sinh trước thời hạn gặp một vài khó khăn với khả năng đọc và làm toán.


3/ Nguy cơ về các vấn đề thần kinh
Một nghiên cứu khác của các chuyên gia đến từ Kings College (Anh) cho thấy, không chỉ có kết quả học tập kém hơn, những bé sinh non dưới 37 tuần tuổi còn có nguy cơ bị các bệnh về thần kinh như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… Các chuyên gia tiến hành so sánh dữ liệu sức khỏe của hơn 1,3 triệu người sinh ra tại Thụy Điển từ năm 1973 - 1985 và nhận thấy, những trẻ sinh non (dưới 32 tuần) có tỷ lệ tâm thần phân liệt cao gấp 2 lần, tỷ lệ bị trầm cảm gấp 3 lần và nguy cơ rối loạn lưỡng cực gấp 7 lần so với những bé đủ tháng.
Theo các chuyên gia, thai nhi đặc biệt phát triển não mạnh mẽ trong những tuần cuối thai kỳ. Do đó, nếu thời gian em bé nằm trong bụng mẹ bị rút ngắn, sự phát triển của não cũng sẽ bị ảnh hưởng và não của trẻ cũng dễ bị “tổn thương” hơn.
Không nhằm mục đích gây hoảng sợ cho những bà mẹ có em bé sinh ra ở tuần thứ 37, theo các chuyên gia, kết quả của những cuộc nghiên cứu này chủ yếu để giúp mẹ bầu tăng thêm kiến thức để nhận biết nguy cơ có thể xảy ra cho bé cưng. Đặc biệt, các chuyên gia cũng khuyến cáo những bà mẹ đang có ý định chọn ngày sinh con nên suy nghĩ thấu đáo trước khi thực sự đưa ra quyết định.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn