Một số mẹ bầu phải trải qua tình trạng lông tóc mọc dày và rậm rạp trông thấy. Mẹ có cần phải chịu đựng tình cảnh này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thai nhi?






Tại sao lông mọc nhiều trong thai kỳ?
Trong thai kỳ, một số mẹ bầu sẽ chứng kiến việc lông và tóc mọc nhiều hơn rõ rệt. Tuy nhiên, điều này lại khá bình thường. Nếu mẹ thấy bỗng dưng có một dải “ria mép”, rồi lông mọc rậm hơn trên cằm, trên má hoặc đôi khi có cả ở vòng 1 cũng đừng quá lo lắng. Sự tăng trưởng của lông và tóc thường xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên bởi sự gia tăng của một loại hormone giới tính được gọi là androgen. Một vài phụ nữ còn thấy lông mọc trên cánh tay, chân hoặc trên ngực. Sự phát triển của các nang lông bị kích thích trong quá trình mang thai dẫn đến những hiện tượng lông mọc dài ra, rậm hơn, hoặc tự rụng đi. Nhưng tình trạng lông mọc dài ra phổ biến hơn cả.



Tình trạng tăng mọc lông khi mang thai làm cho các mẹ bầu mất tự tin
Các biện pháp hạn chế
Một số người cảm thấy khó chịu khi lông mọc quá rậm rạp và tìm cách để loại bỏ chúng. Tất nhiên, luôn có rất nhiều lựa chọn để giúp mẹ giữ gìn vẻ đẹp trong thai kỳ. Để giảm bớt tình trạng này, mẹ có thể cắt tóc, cạo lông, cạo râu và dùng sáp tẩy lông. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không nên dùng thuốc làm rụng lông vì chúng có thể hấp thu qua da và ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.
Những biện pháp loại bỏ lông vĩnh viễn như lazer hoặc triệt lông cũng không được khuyến khích, vì nó có thể gây đau và khiến bạn khó chịu. Trên thị trường cũng có 1 số toa thuốc giảm tình trạng mọc lông, nhưng chúng được khuyến cáo không nên dùng đối với phụ nữ mang thai.
Nếu mẹ không thực sự quá bận tâm về ngoại hình, chỉ cần nhớ rằng hiện tượng lông, tóc rậm rạp này chỉ là tức thời. Chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi, dành thời gian tận hưởng thai kỳ và chăm sóc bé yêu mới chào đời. Thông thường, sau 6 tháng sau khi sinh, những khu “rừng rậm” kia sẽ biến mất và cơ thể mẹ sẽ trở lại bình thường thôi.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn