Các mẹ bầu thường dễ bị muỗi đốt hơn người bình thường. Liệu điều này có gây ra những nguy cơ đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi? Nếu có, đâu là cách để xử lý tình trạng này?






Mẹ biết không, một số loài cả muỗi đực và cái sử dụng mật hoa cũng như các chất lỏng trên cây để nuôi sống cơ thể chứ không hút máu. Chúng chỉ đốt người trong giai đoạn sinh sản bởi nguồn máu người chứa các chất béo, protein và các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình đẻ trứng. Một số phụ nữ bị muỗi đốt nhiều hơn khi mang thai. Liệu điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu?



Một số đối tượng được muỗi đặc biệt yêu thích
Bà bầu có “sức hút” gì?
Nhiều người thường nghĩ bị muỗi đốt nhiều là do “máu ngọt”. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Bởi khí carbondioxide mà bạn thở ra từ miệng và những mùi hương nhất định mà mỗi cơ thể tạo ra mới là điểm thu hút muỗi nhất, chẳng hạn như mùi mồ hôi khi vận động. Nghiên cứu trước đây cho thấy muỗi thích đốt những người thuộc nhóm máu O.
Một nghiên cứu năm 2000 cho thấy, muỗi có xu hướng cắn phụ nữ mang thai nhiều hơn. Nguyên nhân bởi phụ nữ mang thai khối lượng máu tăng 30-50%, cơ thể sản xuất nhiều nhiệt và carbondioxide. Đây là nguyên nhân khiến mẹ trở thành mục tiêu lý tưởng của muỗi.
Dù đối với nhiều người, các nốt muỗi đốt chỉ hơi gây khó chịu, nhưng đối với một nhóm nhỏ người khác, việc bị muỗi đốt đôi khi có thể dẫn đến những phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cả nguy cơ nhiễm bệnh, chẳng hạn như sốt rét hay sốt xuất huyết, …
“Khi một con muỗi đốt và hút máu người, nó cũng sẽ tiêm nước bọt vào cơ thể bạn để ngăn máu của bạn đông lại. Các protein và enzym trogn nước bọt của muỗi cũng là nguyên nhân gây kích ứng và ngứa ngáy”, tiến sĩ Martin Donnelly đến từ Trường y học nhiệt đới thuộc Đại học Liverpool (Anh), giải thích.
Theo các chuyên gia, việc bạn có bị muỗi đốt hay không đều do “sự kết hợp hoàn hảo giữa các đặc điểm di truyền và mùi”. Trong đó, tới 85% lí do tại sao muỗi “yêu thích” ai đó là vì di truyền. Do vậy, tin xấu là, chúng ta không thể làm được gì nhiều để giải quyết chuyện này. Và nếu bố hoặc mẹ của bạn là người hay bị muỗi đốt, bạn nhiều khả năng cũng hay bị những con côn trùng này quấy rầy.
Thống kê cho thấy, cơ thể người sản sinh ra gần 500 hóa chất dễ bay hơi khác nhau và chúng tỏa mùi qua da của chúng ta vào không khí. Những con muỗi có thể phát hiện rất nhiều trong số những hóa chất này, nhờ sử dụng một cặp râu tơ tí hon trên đầu của chúng.
Cách tốt nhất xử lý nốt muỗi đốt
Một số người có phản ứng nghiêm trọng với vết muỗi đốt tới mức cơ thể họ tạo ra một phản ứng viêm theo cách làm sưng phồng và tích tụ dịch quanh vùng bị đốt. Những phản ứng dị ứng này có thể gây khó chịu da nhiều tới mức khiến chúng ta không thể ngăn bản thân gãi vết muỗi đốt. Tuy nhiên, lời khuyên là bạn nên hạn chế gãi càng nhiều càng tốt, vì gãi làm rách da, khiến bạn dễ bị mắc các nhiễm trùng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu hay viêm mô tế bào da. Để khắc phục, mẹ bầu có thể bôi một số loại kem giảm ngứa vào vết đốt để hạn chế gãi, gây nhiễm trùng da.


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn