Dù được chế biến qua nhiều công đoạn, những món thịt nguội lại không phải là lựa chọn thực phẩm an toàn cho các mẹ bầu. Những món này có thể mang đến nguy cơ gì? Nếu mẹ vẫn "ghiền" thịt nguội thì phải xử lý ra sao?






Nguy cơ nhiễm khuẩn
Theo các chuyên gia, mẹ bầu không nên ăn các loại thịt nguội như giăm bông, xúc xích và thịt hun khói. Những thực phẩm này có thể dẫn đến một dạng ngộ độc được gọi là listeriosis do vi khuẩn listeria monocytogenes gây ra. Vi khuẩn listeria có thể lưu lại khi xử lý thức ăn không đúng cách hoặc, chúng đã có sẵn trong thịt từ trước đó.

Bà bầu ăn thịt nguội cần cân nhắc các nguy cơ như nhiễm khuẩn, dung nạp chất béo có hại và hấp thụ quá nhiều muối…
Listeriosis đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, gây ra những triệu chứng như bệnh cúm, đôi khi có thể tiến tới viêm màng não và nhiễm trùng máu. Khi bệnh tấn công vào thai nhi sẽ gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, sinh thiếu cân hoặc nhiễm trùng máu và viêm màng não.
Tủ lạnh là nơi ủ bệnh
Không như các loại vi khuẩn khác, listeria phát triển nhanh và mạnh ở nhiệt độ tủ lạnh. Vì vậy, rất nhiều bà mẹ sai lầm khi nghĩ rằng thịt nguội an toàn khi cất trong tủ lạnh. Bạn cũng không nên để lẫn xúc xích, thịt nguội với các loại thực phẩm khác để tránh nhiễm khuẩn chéo. Listeria cũng được tìm thấy trong sữa chua chưa tiệt trùng, pho mát mềm và thịt gia cầm chưa nấu chín.
Sữa bầu không phải là lựa chọn duy nhất dành cho các mẹ. Trong suốt thai kỳ của mình, bạn có thể chọn nhiều loại sữa khác nhau để làm phong phú thực đơn của mình, đồng thời tận hưởng nguồn dinh dưỡng phong phú mà loại thức uống này mang lại
Ăn chín, uống sôi
Để “đuổi” hết vi khuẩn này, mẹ cần nấu nướng kỹ thực phẩm. Đối với các món thịt nguội, mẹ cũng phải chiên, hấp lại ở nhiệt độ cao trước khi sử dụng. Nếu lựa chọn sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, yoghurt hay sữa tươi, nên xem kỹ nhãn sản phẩm để đảm bảo rằng đó là sản phẩm đã tiệt trùng. Một món “tối kỵ” khác mà mẹ cần tránh trong suốt thai kỳ là rau sống, bởi chúng cũng có thể chứa loại vi khuẩn trên.
Xử lý khi mắc bệnh
Khi vào cơ thể, vi khuẩn sẽ lưu trú ở ruột. Để điều trị, các bác sỹ thường phải dùng kháng sinh. Đặc biệt, nếu mẹ bầu bị nhiễm khuẩn thì việc siêu âm và xét nghiệm sẽ được tiến hành kèm theo để kiểm tra chắc chắn thai nhi không bị lây nhiễm.
Vi khuẩn có thể lây lan khi các mẹ để tay mình tiếp xúc với các nguyên liệu tươi sống, các nguồn nước nhiễm khuẩn. Vì vậy, rửa tay sạch sẽ là một lựa chọn tốt để phòng tránh vi khuẩn này. Bên cạnh đó, những đồ dùng trong nhà bếp như dao, thớt, nồi, chảo… đều cần được vệ sinh sạch sẽ trước và sau mỗi lần sử dụng.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn