Nước dùng để pha sữa phải có nhiệt độ tối thiểu là 70 độ C để đảm bảo vi khuẩn trong nước và trong sữa không thể gây ảnh hưởng tới bé.






Mặc dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé và nuôi con bằng sữa mẹ tiết kiệm thời gian, tiền bạc nhưng vì lý do nào đó, nhiều bố mẹ vẫn phải lựa chọn sữa công thức cho con. Những lưu ý dưới đây giúp bố mẹ biết cách sử dụng đúng sữa công thức để đảm bảo an toàn và sức khỏe của bé.
1. Không làm nóng sữa bằng lò vi sóng
Sức nóng trong lò vi sóng được phân phối không đều, làm cho sữa bị chỗ nóng chỗ không, dễ khiến bé bị bỏng hoặc làm mất chất của sữa.
2. Không bao giờ được thay đổi công thức pha sữa
Trên mỗi vỏ hộp sữa đều có ghi rõ ràng hướng dẫn sử dụng với tỷ lệ sữa và nước định sẵn. Bố mẹ cần đọc kỹ những thông tin này và thực hiện đúng. Vì nếu bạn cho quá nhiều nước, em bé có thể sẽ không nhận được đủ dinh dưỡng cần thiết. Ngược lại, nếu pha sữa với lượng nước ít hơn mức quy định, bé sẽ bị thiếu nước - nguyên nhân gây táo bón. Ngoài ra, bố mẹ không nên cho thêm bất cứ thành phần nào khác vào sữa của bé. Bạn nên bỏ ngoài tai những lời khuyên kiểu như pha thêm vitamin, canxi... vào sữa sẽ giúp bé cao, tăng cân tốt, ngủ ngon.
3. Không dùng nước khoáng để pha sữa công thức
Trong nước khoáng một số khoáng chất mà hệ tiêu hóa non nớt của bé không thể xử lý được. Một số loại nước khoáng có hàm lượng canxi và natri cao có thể làm hại thận của bé.
4. Nước dùng để pha sữa phải có nhiệt độ tối thiểu là 70 độ C
Vi khuẩn không chỉ tồn tại trong nước mà còn có cả ở hộp sữa. Bởi vậy, để bảo vệ bé, bố mẹ cần sử dụng nước đun sôi, sau đó để nguội bớt (xuống khoảng 70 độ C) để pha sữa. Đây là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Trước khi cho bé bú, bố mẹ có thể ngâm bình sữa vào cốc nước mát để đạt nhiệt độ phù hợp, đảm bảo không làm bỏng bé.



Ảnh minh họa: TVZ.
5. Không giữ sữa đã pha quá 2 giờ
Bình sữa công thức là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây hại phát triển. Ngay cả vi khuẩn từ nước bọt của bé cũng có thể nhân lên khi vào trong bình bú. Vì vậy, nếu bé không bú hết thì sau 2 giờ, bố mẹ phải bỏ đi để tránh ảnh hưởng xấu đến trẻ.
6. Không cho trẻ bú quá no
Chính bé sẽ biết mình đói bụng hay đã no rồi nên bố mẹ hãy cất bình sữa đi nếu thấy bé ngừng ăn. Đừng trông đợi rằng bé sẽ uống hết cả bình sữa đầy trong một cữ bú. Bố mẹ nên tìm hiểu về các dấu hiệu nhận biết khi bé no và đói để phối hợp nhịp nhàng với bé.
7. Không nên cho bé ngậm bình sữa khi đang buồn ngủ
Điều này dễ gây sặc và dẫn đến nghẹt thở vì sữa vẫn tiếp tục chảy trong khi bé ngủ mơ màng mà không kịp nuốt. Hơn nữa, việc tránh cho bé bú đêm còn hạn chế khả năng sâu răng cho bé.
8. Không nên để trẻ tự bú bình
Ngay cả khi trẻ đã có thể tự cầm bình thì bố mẹ vẫn cần quan sát trẻ, không được bỏ mặc bé với bình sữa. Vì nó sẽ rất nguy hiểm nếu bé bị sặc mà không được xử lý kịp thời.
9. Không hâm sữa công thức quá 10 phút
Vì nó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sản sinh và tăng nguy cơ bị tiêu chảy cho bé.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn