Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của chị em nhưng nhiều người vô tình bỏ qua.





- Tuổi tác:
Khả năng sinh sản của người phụ nữ giảm dần theo tuổi và ngoài 30 tuổi, khả năng có thai bắt đầu giảm đáng kể. Khả năng có thai giảm và tỷ lệ bất thường của trẻ tăng ở những phụ nữ lớn tuổi chủ yếu là do sự suy giảm chức năng của buồng trứng theo thời gian, kể cả đối với các cặp vợ chồng thực hiện biện pháp bơm tinh trùng vào tử cung.
Đến tuổi mãn kinh (40-50 tuổi), phụ nữ không còn rụng trứng và không thể mang thai. Nhưng trong giai đoạn tiền mãn kinh, người phụ nữ vẫn có thể khó mang thai do trứng ít rụng thường xuyên và số lượng trứng giảm. Khả năng mang thai thường giảm sau 35 tuổi nhưng độ tuổi không thể mang thai nữa cũng khác nhau tùy người. Do đó, phụ nữ ở mọi lứa tuổi đang gặp vấn đề về thụ thai cần đến gặp chuyên gia càng sớm càng tốt.
- Thời gian vô sinh:



Vô sinh hay hiếm muộn là tình trạng một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, sống chung với nhau và không áp dụng một biện pháp tránh thai nào vẫn không có con.Với các cặp vợ chồng có vợ dưới 35 tuổi thì khoảng thời gian này được tính sau một năm, và sau 6 tháng nếu trên 35 tuổi. Thời gian hiếm muộn vô sinh càng lâu thì khả năng điều trị IUI càng giảm. Vì vậy, các cặp vợ chồng sau một năm chung sống không áp dụng biện pháp tránh thai vẫn chưa có con, nên đến bác sĩ chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh để được chẩn đoán và điều trị.
- Bệnh lý lạc nội mạc tử cung:
Bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng có thể đưa đến tình trạng vô sinh cho người bệnh vì nó gây gây tổn thương vòi trứng, phá huỷ nhu mô buồng trứng, viêm dính vùng chậu.
- Chất lượng tinh trùng:
Khả năng có thai nhờ biện pháp IUI phụ thuộc nhiều vào mật độ tinh trùng. Nếu mật độ tinh trùng dưới 10 triệu, khả năng có thai khó xảy ra. Ngoài mật độ tinh trùng, độ di động của tinh trùng cũng góp phần không kém vào kết quả thành công của phương pháp này.
- Bệnh tuyến giáp:
Rối loạn tuyến giáp có thể khiến bạn gặp vấn đề về rụng trứng và khả năng mang thai. Những triệu chứng chưa được chẩn đoán của bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà bạn không hề biết được.
- Trọng lượng cơ thể:
Nếu bạn quá béo hay quá gầy, việc này sẽ làm khả năng thụ thai của bạn gặp khó khăn hơn những chị em có trọng lượng khỏe mạnh.
Để biết mình có quá gầy hoặc quá béo hay không, bạn có thể đo chỉ số BMI, tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Nếu chỉ số của bạn trên 25 là bạn đang rơi vào tình trạng béo phì, còn dưới 18 thì bị coi là quá gầy.
Phụ nữ quá gầy có nồng độ hormone tình dục estrogen thấp, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng nên việc thụ thai không dễ dàng. Còn với những chị em có trọng lượng cơ thể quá mức thì có thể phải đối mặt với nguy cơ suy giảm chức năng buồng trứng. Hội chứng suy giảm buồng trứng không những khiến chị em thừa cân khó thụ thai mà còn có thể gây vô sinh.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn