Táo bón là 1 trong những điều phiền toái nhất của các mẹ bầu – theo thống kê thì ước tính cứ 2 bầu thì lại có 1 phải khổ sở vì tình trạng này. Táo bón có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào trong thai kỳ nhưng thường nhất là vào tam cá nguyệt thứ 1 và thứ 3. Lý do ư? Sự tăng lượng progesterone trong cơ thể bạn khiến hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại và tăng hấp thụ nước. Áp lực của tử cung ngày càng lớn và đè lên ruột cũng đóng góp phần nào vào chuyện này.





Táo bón không nguy hiểm để khiến bạn phải hoảng lên, tuy nhiên nó gây đau đớn và khó chịu, và dù sao thì không bị vẫn hơn. Ngoài ra, bị táo bón trong thai kỳ có thể khiến các mẹ bầu cảm thấy lo lắng; nếu bạn bị táo bón nặng kèm theo đau bụng, xen kẽ với tiêu chảy, hoặc bạn bị ra máu hoặc dịch nhầy, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
<center></center><center>Bạn có thể phòng ngừa và trị táo bón trong thai kỳ bằng 1 số mẹo sau:</center>
Phòng tránh
Lượng sắt cao trong các viên thuốc bổ thai kỳ có thể làm tăng tình trạng táo bón, nên nếu sử dụng, bạn hãy tìm loại giải phóng sắt từ từ (slow-release). Và kể cả khi đã đổi thuốc (theo chỉ dẫn của bác sỹ) đi nữa thì vẫn cần làm thêm những điều dưới đây:
Uống nhiều nước: phụ nữ mang thai cần uống nhiều nước, trong đó chủ yếu là nước trắng – khoảng 10 cốc/ngày;
Vận động: việc thiếu vận động sẽ làm tăng nguy cơ táo bón, nên bạn hãy tập luyện vừa sức trong khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Bạn có thể đi bộ, bơi, tập yoga… Nếu bạn có ít thời gian hơn vậy thì có thể tranh thủ 10 phút thực hiện bài tập nhẹ, ít va chạm như đi bộ nhanh cũng có thể có tác dụng;
Ăn nhiều xơ – từ trái cây, rau tươi, bánh mỳ và ngũ cốc nguyên hạt… Hãy lưu ý các loại thực phẩm tinh chế như gạo trắng, bánh mỳ trắng có thể làm vấn đề trầm trọng hơn, nhất là trong thai kỳ. Tuy vậy, nếu bạn vốn không ăn nhiều rau thì hãy tăng lượng từ từ thôi, vì bổ sung 1 lượng lớn chất xơ 1 cách dồn dập có thể khiến bạn bị đầy hơi, trướng bụng.
Tránh ăn quá no, thay vào đó, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ rải rác trong ngày để dễ tiêu hơn.
Chữa trị
Nếu cảm thấy khó chịu thì tốt nhất hãy đến bác sỹ để được cho thuốc phù hợp, không nên tự tiện áp dụng những mẹo nhuận tràng vì có thể khiến cơ thể mất nước – tình trạng nguy hiểm trong thai kỳ. Nếu việc uống thuốc không đem lại hiệu quả như ý, khắc phục vấn đề tận gốc thì hãy nhờ bác sỹ xem xét kỹ lại lượng sắt trong cơ thể bạn, chế độ ăn uống, hoạt động, cũng như những yếu tố khác có thể gây nên những vấn đề tiêu hóa, chẳng hạn như tình trạng lo âu, căng thẳng.
Theo Danviet

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn