Tụt núm vú ảnh hưởng tới chức năng làm mẹ và hình thái thẩm mỹ của bộ ngực.






Đây là tật chứ không phải bệnh, hầu hết do bẩm sinh. Tật này thường được phát hiện rõ nhất trong thời kỳ dậy thì và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản.
<br style="font-weight: bold;">Khó chịu, căng thẳng

"Từ lúc em mới dậy thì, ngực căng tròn thì nhũ hoa của em nó đã bị thụt vào trong rồi. Nó chỉ lồi ra khi em bị kích thích hay trời lạnh làm em nổi da gà, nhưng sau đó lại thụt mất. Ngày mới lớn, em nghĩ, do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên nhũ hoa còn "cánh cụp cánh xòe". Lớn thêm chút, lại được các chị "an ủi": Khi lấy chồng, mang bầu, có con, tình trạng mất thẩm mỹ này sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, đến nay đã mang thai được 4 tháng, nhũ hoa của em vẫn chưa thấy xuất hiện...", Mỹ Hạnh, 23 tuổi, mới lên xe hoa năm ngoái than thở.

Còn chị Lan Hương (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Mình cũng bị "bên lồi bên lõm". Do chủ quan nên mình không để ý. Đến lúc sinh, con không mút được, đói quá khóc inh lên, trong khi mẹ "sữa về" cương tức hết cả ngực. Nằm bệnh viện đến một tuần, thấy người ta cho con bú mà mình cứ khóc mãi vì thương con. Có người khuyên "cắt sữa" luôn đi để khỏi đau nhức rồi nuôi con bằng sữa ngoài. Mình thấy bi quan vô cùng nhưng kiên quyết là phải cho con bú bằng sữa mẹ".

Một số chị em chỉ phát hiện mình bị tụt núm vú khi mang thai, được bác sĩ khám thì mới ngẩn ra rằng: Đó là tật, phải can thiệp từ sớm. Tai hại hơn, nhiều người biết mình mắc tật này nhưng vẫn đinh ninh: Chắc do cơ thể chưa phát triển hết, đến lúc lấy chồng, mang thai, sinh đẻ, cơ thể giãn nở do có yếu tố kích thích thì ngực sẽ... ổn (?!).

Trên thực tế, hệ quả trực tiếp nhất là tụt núm vú sẽ gây hạn chế về mặt thẩm mỹ cho chị em (bên to bên nhỏ), hoặc mất đi một điểm kích thích thú vị khi gần gũi vợ chồng. Điều này cũng gây khó chịu và căng thẳng, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự tự tin của bản thân phụ nữ. Về lâu dài, khi nuôi con bằng sữa mẹ, nếu tụt núm vú có thể ảnh hưởng chức năng như: Không thể cho con bú hoặc khó khăn trong việc vệ sinh núm vú, gây đỏ da hoặc nhiễm trùng. Thường gặp nhất là bị viêm tắc tuyến sữa.

"Hiện tượng tụt núm vú có thể xảy ra ở nam giới nhưng hiếm hơn. Nếu đột nhiên núm vú đang bình thường lại tụt vào trong, quanh quầng vú có sự thay đổi màu sắc, phải cảnh giác bởi đó có thể là dấu hiệu bất thường về sự tồn tại các khối u hoặc ung thư vú", BS. Phạm Thị Vân, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện 198) cho biết.
<br style="font-weight: bold;">Cẩn trọng với các bài tập khi mang thai<br style="font-weight: bold;">
Theo BS.Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà (Hà Nội): Cách tốt nhất để đầu vú nhô ra ngoài là kéo ra. Một số thủ thuật vẫn thường được áp dụng như: Bơm xi lanh để hút đầu vú, xỏ khuyên bạc để nâng đầu vú lên; dùng sợi chỉ tựa (tạm thời) đính nhấc đầu núm vú nâng lên, sau đó tạo đường kết nối bền vững bằng khâu đính giữa 2 thành bên của núm vú; hoặc bôi kem kích thích...

TS.BS Trần Ngọc Hà, Phó Trưởng khoa Sản (BV Trung ương Huế) chia sẻ: Với chị em mắc tật này, trước khi mang thai, hãy áp dụng một số biện pháp trong ăn mặc: Nên lựa chọn và mặc áo ngực thích hợp để nâng ngực lên, tránh chảy xệ hay làm tổn thương mô ngực. Nếu mặc áo ngực quá chặt sẽ khiến núm vú tụt vào trong nhiều hơn. Khi mang thai, các bà mẹ nên vệ sinh sạch sẽ vùng ngực mỗi ngày bằng cách dùng bông gòn hoặc vải mềm sạch, nhẹ nhàng xoa núm vú và da ở phần quầng vú, thúc đẩy cho da ở phần núm vú và quầng vú đầy lên, kích thích núm vú nhô cao.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các cách như: Nhẹ nhàng kéo da quầng vú xuống phía dưới, sau đó, thực hiện theo hướng ngược lại. Làm mỗi ngày 2 lần. Biện pháp massage cũng có hiệu quả. Nên massage theo những đường vòng tròn từ ngoài vào trong ngực, tránh massage nhiều ở núm vú. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có tác dụng với các trường hợp nhẹ. Các trường hợp nặng như sau khi kéo ra, núm vú có xu hướng tụt trở lại như cũ hoặc bị tụt hẳn vào trong, không kéo ra được thì bắt buộc phải nhờ đến phẫu thuật. Đây là phẫu thuật đơn giản, không tốn kém nhiều mà hiệu quả lại cao.

Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý: Sản phụ khi thực hiện một số bài tập cho núm vú tụt cần hỏi kỹ ý kiến bác sĩ. "Bởi việc tập thể dục, can thiệp trong thời kỳ này không có lợi cho thần kinh, vì khi kích thích núm vú sẽ gây ra những cơn co tử cung, làm giảm hoặc thiếu máu khi nuôi con, gây nguy hiểm cho cả bà mẹ và em bé trong bụng", BS. Dung cho biết.

TS. Ngọc Hà khuyên: Hãy giữ núm vú luôn khô, thoáng sau mỗi lần cho bé bú. Phụ nữ có núm vú tụt, khi cho con bú sẽ tạo ra tác dụng cơ học liên tục giúp kéo núm nhũ hoa ra ngoài. Những ngày đầu cho con bú, sản phụ nên dùng máy hút để kéo núm vú lộ ra. Việc vội vã cho bé bú ngay càng khiến núm vú thêm tụt vào hoặc có thể lồi ra không như mong muốn. Bạn có thể dùng ngón trỏ và ngón giữa nâng phần quầng vú để núm vú nhô ra, tạo điều kiện tốt cho trẻ bú sữa mẹ. Kinh nghiệm cho thấy, kiên nhẫn cho con bú thường xuyên, đúng cách ở cả hai bên ngực cũng là một biện pháp giúp chị em cải thiện được tình trạng tụt núm vú.
<br style="font-style: italic;">

Theo Giadin.net.vn


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn