Cơn nghén HG (Hyperemesis Gravidarum) chính là hiện tượng nhiễm độc thai nghén, khiến bà bầu buồn nôn thường xuyên dẫn đến mất nước.








Vì sao mẹ bầu mắc cơn nghén HG?
Đa số phụ nữ khi mang thai đều cảm thấy buồn nôn hoặc nôn (ốm nghén), đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nguyên nhân gây ra buồn nôn và nôn khi mang thai được cho là do sự gia tăng đột biến của hoóc-môn có tên chorionic gonadotropin (HCG) ở nhau thai. Buồn nôn và nôn nghiêm trọng diễn ra trong suốt thai kỳ có thể xảy ra ở thai phụ mang song thai hoặc đa thai hay mang thai trứng. Khi thấy có biểu hiện ốm nghén bất thường, mẹ bầu không nên chủ quan mà cần kịp thời đi khám để chẩn đoán cụ thể về tình trạng thai nghén của mình
Biểu hiện ốm nghén
Thông thường, mẹ bầu thường có cảm giác khó chịu trong người, buồn nôn kéo dài suốt thai kỳ, thường xuyên hoa mắt chóng mặt hoặc ngất xỉu từ đó dẫn đến sụt cân. Bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán nhiễm độc thai nghén dựa trên dấu hiệu và triệu chứng. Mẹ bầu sẽ được thực hiện các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu để có căn cứ chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành siêu âm để xác nhận thai nhi và phát hiện những yếu tố gây ra những cơn buồn nôn.

Nếu chị em thường xuyên buồn nôn gây mất nước thì nên đến gặp bác sĩ (Ảnh: Internet)
Mách mẹ bầu cách trị cơn ốm nghén dai dẳng
- Trong thời gian ốm nghén mẹ bầu nên lựa chọn các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, ít chất béo và dễ tiêu hóa. Nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày và ăn nhẹ để tránh buồn nôn và nôn.
- Khi có cảm giác buồn nôn bạn cần tăng cường bổ sung lượng nước cho cơ thể. Ngoài ra, mẹ bầu có thể uống trà gừng hoặc ngậm kẹo gừng để giảm cảm giác buồn nôn.
- Bổ sung vitamin B6 (không quá 100mg/ngày) theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ khắc phục triệu chứng buồn nôn đầu thai kỳ.
- Nếu cơn ốm nghén hoặc buồn nôn quá nghiêm trọng có thể đe dọa đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống buồn nôn. Với tình trạng nghiêm trọng hơn, thai phụ có thể sẽ phải nhập viện để kiểm tra, theo dõi và điều trị bằng cách tiêm đường tĩnh mạch.


Đáng ngại có thể xảy ra
Nhiễm độc thai nghén thường chuyển biến xấu nhất giữa 2 đến 12 tuần của thai kỳ và biến mất vào nửa cuối thai kỳ. Một số trường hợp có thể kéo dài hơn. Chẩn đoán đúng triệu chứng và theo dõi cẩn thận, những biến chứng nghiêm trọng rất hiếm xảy ra với thai nhi và thai phụ. Nếu chị em thường xuyên buồn nôn và nôn nghiêm trọng có thể gây mất nước và sụt cân suốt thai kỳ thì cần chế độ theo dõi thai kỳ sát sao. Ngoài ra, khi có dấu hiệu nhiễm độc thai nghén, gia đình và người thân cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề tâm lý của sản phụ để tránh những tai biến khác có thể xảy ra.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn