Hẳn mẹ bầu nào cũng biết việc năng vận động trong suốt thai kỳ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho mẹ và bé, nhưng vận động như thế nào mới an toàn nhất? Liệu những động tác đòi hỏi sự dẻo dai linh hoạt hay kéo căng người vốn được cho là đơn giản, vô hại và dùng để trị liệu có tiềm ẩn rủi ro gì cho mẹ bầu không? Những thông tin sau đây sẽ giúp bầu giải đáp hết thắc mắc của mình






Bài tập thể dục cho bà bầu

Nếu biết cách, những bài tập kéo căng người sẽ mang lại cho bầu khá nhiều lợi ích

1/ Bà bầu có tập được động tác kéo căng người?

Việc tập luyện kéo căng người dưới sự hướng dẫn của các huấn luận viên chuyên nghiệp sẽ giúp mang lại cho mẹ bầu một thai kỳ khỏe mạnh vì nó sẽ giúp cơ thể dễ thích ứng với những thay đổi về trọng lực, hình dáng và sức lực. Ngoài ra, nó còn giúp duy trì và tăng cường sự mềm dẻo, linh hoạt khi phải đối mặt với những cơn đau nhức phổ biến khi mang thai như đau thắt lưng và căng cơ vai. Việc giảm bớt hay loại bỏ chứng căng cứng cơ bắp sẽ giúp bầu hạn chế được sự căng thẳng tâm lý, và tinh thần sẽ thoải mái hơn.

Không chỉ vậy, tiếp tục các động tác kéo căng sau sinh sẽ giúp ngực săn chắc hơn, điều tiết khớp vai khi nó vừa phải “nâng” bộ ngực trĩu sữa vừa phải “đỡ” thiên thần nhỏ trong trường hợp mẹ phải bế bé trong thời gian dài.

2/ Bài tập thể dục cho bà bầu: Tập sao cho đúng?

Từ tam cá nguyệt thứ nhất trở đi, các bài tập kéo căng người nên tập trung vào một vài nhóm cơ quan trọng, nhất là khi mẹ bầu không có nhiều thời gian và không thể kéo các cơ đúng cách trong một lần tập.

Nhóm cơ cần tập trung kéo căng trong suốt thai kỳ là vùng thắt lưng, ngực, cổ, lưng, vùng xoay vai, cơ đùi trước, cơ đùi sau, bắp chân và cơ hông hay cơ khớp háng. Khi một hay một nhóm cơ phải căng quá sức, nó sẽ làm mất cân bằng chức năng tại vùng bị tổn thương và làm cho các vùng cơ liên đới cũng sẽ bị kéo căng hay hoạt yếu đi. Chẳng hạn như khi bụng mẹ phải căng ra theo sự phát triển của thai nhi, cơ vùng thắt lưng sẽ có khuynh hướng căng cứng và kém linh hoạt hơn vì lúc này nó phải bổ trợ cho phần cơ bụng đang bị yếu đi và đảm bảo cho tư thế phù hợp cho mẹ bầu.

- Tư thế con mèo: Chống hai tay và gối sao cho đầu gối vuông góc với sàn, tay và vai tạo thành một đường thẳng. Giữ đầu thẳng, mắt nhìn xuống sàn.

Giữ nguyên vị trí đầu và gối, thở ra kết hợp cong xương sống lên. Cúi nhẹ đầu xuống sàn, và từ từ trở về tư thế ban đầu.

Hít vào, và hạ xương sống xuống gần sàn. Ngước đầu lên trên.

Với tư thế con mèo trong bài yoga, mẹ bầu có thể thoải mái tập kéo căng thắt lưng trong bất kỳ tam cá nguyệt nào.

- Tư thế cổ điển đứa trẻ: Ngồi lên gót chân, trán áp xuống sàn. Hai tay thả lỏng hai bên, lòng bàn tay hướng lên hoặc giương hai tay ra phía trước, lòng bàn tay úp xuống sàn. Để hỗ trợ phần bụng, khi thực hiện tư thế này, mẹ bầu có thể chống gối lên thay vì gập gối lại hay đặt tay lên một trái bóng tập thay vì áp tay xuống đất.

3/ Tập thể dục khi mang thai: Bầu cần lưu ý

Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ sản xuất ra hóoc-môn relaxin, có khả năng làm tăng tính mềm dẻo và linh hoạt của các dây chằng và sụn khớp, cho phép bụng ngày càng căng to ra để hỗ trợ quá trình sinh nở. Sự hiện diện của relaxin cũng sẽ làm cho các cơ bắp của mẹ bầu dễ bị kéo căng quá mức. Để tránh tình trạng này, mẹ bầu nhớ đảm bảo các động tác kéo căng của mình vừa phải, thoải mái và không gây đau đớn. Đặc biệt lưu ý phải hít thở sâu trong mỗi bài tập. Giữ tư thế kéo căng trong ít nhất 30 giây. Thư giãn sau mỗi động tác và cố gắng kiểm soát bài tập từ đầu đến cuối.

Tránh động tác bật nhảy, kéo căng cơ khớp và dây chằng đột ngột, thay vì sẽ tác động vào khu vực rộng nhất của mỗi vùng cơ. Trước khi tập những động tác mới, nhớ hỏi thăm huấn luyện viên của mình để được hướng dẫn cẩn thận, bầu nhé!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn