Các acid amin được hình thành từ protid là một trong những nhóm dưỡng chất thường hiện diện bằng những chuỗi dài phân tử.





Nhu cầu acid amin trong cơ thể

Các acid amin được hình thành từ protid là một trong những nhóm dưỡng chất thường hiện diện bằng những chuỗi dài phân tử. Sau quá trình phân giải các đại phân tử protid này sẽ biến thành những acid amin và hấp thu vào cơ thể qua đường tiêu hóa dưới tác dụng của dịch tiêu hóa. Người ta đã phân loại được nhiều acid amin khác nhau và những acid amin này sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh khi chúng được hấp thu vào cơ thể. Tuy rất nhiều loại acid amin khác nhau nhưng chỉ có 18 loại acid amin là cần thiết cơ thể không thể tự tổng hợp ra được mà hoàn toàn phải dựa vào nguồn thực phẩm từ bên ngoài cung cấp, trong đó lại có tới 8 loại được coi như là tối cần thiết. Các acid amin này tham dự vào nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể như tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh, đổi mới các sợi cơ bắp... do vậy nhu cầu cho cơ thể bao giờ cũng chỉ đáp ứng đủ, thừa hoặc thiếu đều gây nên bất lợi cho cơ thể.

Một số acid amin tiêu biểu

Acid glutamic: Giữ vai trò quan trọng trong chuyển hóa tế bào thần kinh và vỏ não. Do vậy trong các trường hợp như suy nhược chức năng thần kinh, trẻ em chậm phát triển cơ thể hoặc trí óc, rối loạn chức năng gan, hôn mê gan, thường được sử dụng loai acid amin này. Người ta thấy trong bí ngô (còn gọi là bầu lào, bù rợ, bí đỏ) có chứa loại acid glutamic tự nhiên.

Methionin: Đây là một acid amin trong cấu tạo phân tử chứa lưu hùynh có tác dụng bảo vệ đặc hiệu cho tế bào gan. Còn là yếu tố hướng mỡ (lipotrope), tác nhân methyl hóa và sulfur hóa, ngoài ra còn có tác dụng chống nhiễm độc. Methionin còn được sử dụng như một yếu tố ngăn ngừa sự thoái hóa mỡ của các tế bào gan. Do vậy trước đây đã có loại biệt dược lobamin mà hoạt chất chính là methionin rất được các thầy thuốc ưa sử dụng trong các trường hợp cần giải độc gan.

Arginine: là acid amin tham gia vào chu trình tạo ra ure tại gan (đó là chức năng giải độc ammoniac của gan) nên có tác dụng điều hòa nồng độ ammoniac ở máu bị tăng trong một số người mắc bệnh gan, đồng thời thúc đẩy quá trình tổng hợp của cơ thể, trị các rối loạn chức năng gan.

Việc cung cấp đầy đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể hàng ngày sẽ góp phần cải thiện đáng kể các trường hợp như suy dinh dưỡng, suy nhược, mệt mỏi, thời kỳ đang chữa trị bệnh hay sau khỏi cần hồi phục sức nhanh, hay người bệnh bị suy gan, thời kỳ mang thai, cho con bú, người già yếu, người lao động nặng, các vận động viên...

BS. Hoàng Thanh Sơn

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn