Hội chứng buồng trứng đa nang - polycystic ovary syndromme (PCOS) - là dạng rối loạn nội tiết thường gặp ở phụ nữ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây chứng vô sinh ở con người.







Vài nét về hội chứng PCOS
PCOS không phải là một loại bệnh cụ thể, mà là một tập hợp các triệu chứng. Triệu chứng ban đầu dễ nhận biết là hiện tượng rụng trứng gián đoạn, không thường xuyên. Vì vậy, khi cơ thể có hàm lượng hormone testosterone cao thường dễ xuất hiện các triệu chứng PCOS như rụng tóc, nhiều mụn trứng cá và vô sinh. Mỗi bên tử cung của chị em có một buồng trứng hình bầu dục, màu trắng đục. Thời kỳ phôi thai, 2 buồng trứng có khoảng 6 triệu trứng non, sau khi ra đời còn lại khoảng 1 triệu và đến tuổi dậy thì còn lại khoảng 40 ngàn. Vào tuổi dậy thì, dưới tác dụng của hormone sinh sản, trứng phát triển theo từng chu kỳ, chín và rụng. Có khoảng 400 trứng phát triển và hoạt hóa theo chu kỳ, số còn lại teo đi, thoái hóa dần theo tuổi tác. Bên cạnh việc phát triển các nang noãn theo chu kỳ, buồng trứng còn có chức năng tạo ra các hormone để điều hòa chức năng sinh lý, sinh dục nữ. Đến nay, nguyên nhân gây hội chứng PCOS vẫn chưa tường rõ do nhiều yếu tố, nhưng gây nên bởi một số triệu chứng như béo bụng, chu kỳ không đều và bị rối loạn (vô kinh, thiểu kinh hay đa hoặc rong kinh). Nặng hơn là tình trạng xuất huyết tử cung, kháng insulin. Kháng insulin thường đi kèm với một loạt các rối loạn chuyển hóa khác, dẫn đến cao huyết áp, rối loạn lipid máu như tăng triglyceride, LDL, vòng bụng và giảm HDL. Cường androgen ở người bị PCOS dẫn đến các triệu chứng như rậm lông, phát sinh trứng cá, hói đầu hay rụng tóc...
Bốn dạng PCOS thường gặp và cách xử lý

1. PCOS kháng insulin: Đây là dạng cổ điển và phổ biến nhất. Insulin và leptin cao gây cản trở sự rụng trứng và kích thích buồng trứng sản xuất testosterone. Kháng insulin thường gây nên bởi đường, béo phì, thuốc lá, chất béo trans-fat (kiểu như mỡ chiên đi chiên lại) và ô nhiễm môi trường. Nếu đang mắc bệnh tiểu đường, xét nghiệm hàm lượng glucose bất thường thì có thể insulin hoặc LH tăng (hormone luteinizing). PCOS kháng insulin có thể thừa cân, thậm chí ngay cả khi có trọng lượng bình thường, xảy ra trong nhiều năm khi áp dụng chế độ ăn kiêng hoặc rối loạn ăn uống.
- Giải pháp: Nên hạn chế, hoặc phải bỏ đường và giảm cân. Cân nhắc ăn chay gián đoạn, tăng cường hoạt động thể chất để cải thiện độ nhạy insulin. Bổ sung magiê, acid lipoic và berberine. Thuốc tránh thai không phải là giải pháp điều trị PCOS kháng insulin, vì nó làm ảnh hưởng độ nhạy insulin. Cải thiện chứng PCOS này phải mất ít nhất 6 - 9 tháng.

2. PCOS sau khi ngưng thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai kiểm soát sinh bằng cách ức chế rụng trứng, có tác dụng tạm thời. Tuy nhiên ở một số người, sự ức chế rụng trứng vẫn tồn tại sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau ngưng sử dụng thuốc. Một số chuyên gia phủ nhận sự tồn tại của PCOS do thuốc tránh thai gây ra, nhưng đây là dạng PCOS phổ biến phải vào viện khám và điều trị. Vì vậy, dạng PCOS này cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Trường hợp kinh nguyệt bình thường mà sau khi uống thuốc tránh thai có mụn trứng cá, LH cao thì nên xét nghiệm máu. Đôi khi, LH bình thường và prolactin cao cũng nên làm các xét nghiệm cần thiết, nhất là xét nghiệm máu.
- Giải pháp: Nếu LH cao thì nên điều trị bằng thảo dược, kết hợp hoa mẫu đơn và cam thảo là tốt nhất. Nếu prolactin cao cũng nên dùng thảo dược, tối ưu là Vitex (chế từ cỏ ba lá đỏ - chastetree) hoặc dâu chế dục (chasteberry). Không sử dụng Vitex nếu có LH cao vì nó kích hoạt LH khiến bệnh thêm trầm trọng. Cả hai nhóm dược thảo này đều tác dụng đến trục tuyến yên - buồng trứng, nên không được sử dụng quá sớm hoặc quá lâu, cũng không nên dùng cho nhóm thiếu niên hay dùng chung với thuốc ngừa thai, cần dùng sau ngưng thuốc tránh thai được 3 - 4 tháng. Chọn đúng thảo mộc, tác dụng sẽ xuất hiện sau 3 - 4 tháng, kinh nguyệt bình thường. Những người bị bệnh huyết áp cao nên tránh xa cam thảo.

3. PCOS do viêm nhiễm: Viêm nhiễm hoặc hoạt hóa miễn dịch mãn tính là hậu quả của sự căng thẳng, độc tố môi trường, hay viêm nhiễm thực phẩm như gluten hoặc A1 casein. Đây là một trong những sự cố gây nên hội chứng PCOS tiềm ẩn, vì nó ngăn cản sự rụng trứng, phá vỡ các thụ thể nội tiết tố và kích thích nội tiết tố androgen thượng thận như DHEA và androstenedione. Nếu gặp các triệu chứng suy giảm miễn dịch như nhiễm trùng tái phát, đau đầu, đau khớp hay các loại bệnh về da, nên đi xét nghiệm máu để phát hiện các chỉ số viêm nhiễm sinh học như thiếu vitamin D, số lượng máu bất thường, C-RP cao, kháng thể tuyến giáp hoặc kháng thể gluten, DHEA cao, cùng xét nghiệm nước tiểu để biết nguy cơ bị thẩm thấu ruột.
- Giải pháp. Giảm stress, giảm phơi nhiễm độc tố môi trường, loại bỏ các thực phẩm gây viêm như lúa mì, sữa và đường. Điều trị thấm ruột bằng kẽm, berberine và chế phẩm sinh học. Bổ sung magiê vì có tác dụng “bình ổn” hormone tuyến thượng thận (trục HPA). Thời gian cải thiện tương đối chậm, khoảng 6 - 9 tháng.
4. PCOS ẩn danh: Đây là hội chứng PCOS đơn giản hơn và thường gặp ở nhóm người mắc bệnh thường không thuộc 3 tuýp PCOS nói trên. Đơn giản, có nhiều nguyên nhân “dấu mặt” gây cản trở việc rụng trứng và có thể xử lý chóng vánh trong thời gian 3 - 4 tháng. Lạm dụng đậu nành, vì đậu nành giàu chất kháng estrogen, hạn chế sự rụng trứng là một trong nhiều nguyên nhân gây hội chứng này. Ngoài ra, mắc bệnh tuyến giáp làm suy yếu sự rụng trứng, vì buồng trứng cần tới nội tiết tố tuyến giáp T3. Do áp dụng chế độ ăn chay thiếu kẽm, thiếu iốt, lạm dụng chất ngọt nhân tạo làm giảm quá trình truyền tín hiệu insulin và leptin. Dùng quá ít tinh bột trong chế độ ăn cũng có thể mắc bệnh.
Khắc Nam
Tạp Chí Bầu số 67/2014

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn