Hầu hết phụ nữ mang thai đều có khả năng làm việc trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, các thai phụ thường gặp những khó khăn ở nơi làm việc. Để có thể làm việc một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo sức khỏe, các thai phụ cần phải biết cách giảm thiểu những khó khăn thường gặp nhất và biết khi nào thì những trách nhiệm công việc có thể ảnh hưởng đến mình.






1. Làm sao hạn chế nôn mửa do nghén?

Thai phụ có thể bị nôn mửa bất cứ khi nào trong ngày, bất kể ngày hay đêm. Để hạn chế nôn mửa khi bạn đang làm việc, bạn có thể làm theo các cách sau:

- Tránh xa các chất có thể gây cho bạn cảm giác buồn nôn.

- Chuẩn bị sẵn sàng món ăn nhẹ. Bánh quy hay các thức ăn nhẹ có thể giúp bạn ngăn chặn cảm giác buồn nôn. Cất giữ chúng ở những nơi dễ lấy nhất khi cần thiết. Kẹo cứng, một ít nước chanh, trà gừng... là những thứ rất bổ ích.

- Uống nhiều nước. Nếu bạn không uống đủ nước, bạn sẽ càng cảm thấy buồn nôn hơn. Hãy đặt một bình nước trên bàn làm việc của mình và uống từng ngụm trong cả ngày. Điều này sẽ rất tốt cho bạn đấy!

- Khởi đầu ngày mới một cách chậm rãi. Hãy cho mình nhiều thời gian để bắt đầu công việc thay vì cứ vội vàng, điều đó chỉ góp phần làm bạn thêm mệt và cảm giác buồn nôn sẽ lại đến ngay thôi.

- Ngủ đủ. Bạn phải đảm bảo rằng mình có một giấc ngủ đủ và sâu bởi vì bạn sẽ càng cảm thấy buồn nôn khi bạn càng cảm thấy mệt.

2. Kiểm soát được sức khỏe của mình

Bạn sẽ cảm thấy rất mệt nếu làm việc quá sức, vì vậy cần thường xuyên quan tâm đến sức khỏe. Cụ thể là:

- Thường xuyên nghỉ giải lao trong thời gian ngắn. Đứng dậy và đi lại vòng vòng trong một vài phút có thể tiếp thêm sinh lực cho bạn. Hoặc bạn có thể tắt đèn và nhắm mắt nghỉ ngơi trong vài phút, bạn có thể cảm thấy khỏe hơn.

- Sắp xếp lại thời gian biểu của bạn. Nếu bạn thường kiệt sức vào buổi chiều thì bạn nên sắp xếp các công việc quan trọng và khó khăn vào buổi sáng, còn các công việc nhẹ nhàng, vặt vãnh thì sắp xếp vào buổi chiều.

- Giảm bớt các công việc bên ngoài. Bạn có thể mua sắm trực tuyến, thuê người dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc vườn... Điều này sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc.

- Duy trì thói quen tập luyện hàng ngày. Các bài tập thể dục có thể giúp bạn phục hồi năng lượng sau 1 ngày làm việc mệt mỏi, đặc biệt khi công việc của bạn chủ yếu là ngồi bàn giấy. Đi bộ hay tham gia vào các lớp tập luyện dành cho thai phụ trước khi sinh là những lựa chọn đơn giản và thích hợp nhất.

- Đi ngủ sớm.

3. Luôn thật thoải mái trong khi làm việc

- Ngồi: Một chiếc ghế vững chắc, có tấm đệm dựa lưng thấp hơn có thể tạo cảm giác ngồi thoải mái hơn đặc biệt là khi cơ thể bạn thay đổi về hình dáng và cân nặng. Nếu chiếc ghế của bạn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì bạn có thể sử dụng một chiếc gối để dựa lưng. Đặt chân lên trên một chiếc hộp sẽ tạo cho bạn cảm giác thoải mái khi làm việc.

- Đứng: Đứng lâu sẽ làm cho máu khó lưu thông. Điều này sẽ dẫn đến việc bạn cảm thấy đau hoặc choáng váng, đau lưng... Nếu như bạn phải đứng trong một thời gian dài, hãy đặt một chân lên chiếc hộp hay bàn để chân. Bên cạnh đó bạn cũng cần chọn cho mình một đôi giày phù hợp để tránh việc đau chân.

4. Kiểm soát được áp lực công việc

Áp lực công việc thường hối thúc bạn làm việc nhưng nó có thể làm bạn kiệt sức và ảnh hưởng đến thai nhi không nhỏ. Vì vậy bạn cần lưu ý hạn chế tối đa áp lực công việc

- Luôn kiểm soát được công việc. Liệt kê các việc cần làm và ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng trước.

- Chia sẻ thất bại với đồng nghiệp hay bạn thân để nhận được sự thông cảm và khích lệ.

- Thư giãn hợp lý và điều độ. Dành thời gian thư giãn sau khi làm việc, chẳng hạn như hít thở điều hòa, tham gia các lớp học yoga dành cho thai phụ trước khi sinh...

5. Có những phòng ngừa thích hợp nếu công việc của bạn

- Di chuyển nhiều và thường xuyên

- Đứng lâu

- Nâng đỡ nặng và thường xuyên

- Tiếng ồn nhiều, đặc biệt là từ máy móc lớn

- Thường xuyên chịu phơi nhiễm các chất độc hại

Nếu bạn gặp bất cứ trường hợp nào trên đây, hãy chú ý và đề nghị với bộ phận an toàn sức khỏe lao động để bạn được giảm nhẹ trách nhiệm công việc trong suốt thai kỳ. Chúc bạn và con bạn sẽ luôn khỏe.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn