(bau.vn) Có thể, lần sinh em bé đầu tiên đã cho bạn nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, đến lần mang thai thứ hai, vẫn còn không ít điều bất ngờ đang đợi bạn ở phía trước.






Vòng bụng lớn nhanh hơn

Nhiều chị em cho biết, mang bầu em bé thứ hai khoảng 3 tháng, họ đã có cảm giác khó mặc quần áo cũ. Trong khi mang thai lần đầu đến tháng thứ 4, họ vẫn có thể mặc áo phông và quần jean. Theo các bác sĩ, vòng bụng của bà mẹ sinh con lần hai thường phát triển nhanh hơn, bởi tử cung chưa hoàn toàn co lại sau những ảnh hưởng của lần sinh trước. Thêm vào đó, các cơ vòng bụng bị mất trước đó cũng chưa thể hồi phục, khiến cho vòng bụng cũng sệ xuống nhanh hơn trong lần thụ thai sau này.
Nhiều thay đổi khác nhau của cơ thể
Những vết rạn da vẫn xuất hiện, nhất là vùng bụng, đùi và hông. Trường hợp bị giãn tĩnh mạch, những vết nám tím thẫm cũng xuất hiện khắp các vùng gấp như khuỷu tay, khuỷu chân, bẹn… Hiện vẫn chưa có loại thuốc gì giúp bà bầu chữa những vết rạn hay nám da kiểu này, nhưng bạn có thể hạn chế chúng bằng kem dưỡng da chứa vitamin E và alpha hydroxy acid. Ngoài ra, nếu được bác sĩ cho phép, bạn có thể tập thêm một số động tác thể dục hoặc bài massage giúp lưu thông máu. Khi máu trong cơ thể diễn ra tốt, làn da cũng trở nên mềm mại, đàn hồi hơn. Nếu bị giãn tĩnh mạch, bạn không nên đứng hay ngồi lâu ở một tư thế, cố gắng giữ trọng lượng hợp lý và tránh lên cân nhanh.
Dễ bị kiệt sức
Với lần sinh thứ hai, bạn vừa mang thai vừa phải dành thời gian cho con lớn, kể cả khi bên cạnh đã có người giúp việc. Có bầu, không đồng nghĩa với việc bạn được hoàn toàn nghỉ ngơi và quên béng con mình. Đó cũng chính là lý do khiến bạn dễ kiệt sức hơn lần mang thai đầu. Để bớt mệt mỏi, bạn cần chăm sóc nhiều hơn cho bản thân, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Bạn cũng cần được massage cơ thể, nhất là vùng lưng. Thời điểm thích hợp nhất thường xuyên được massage là giai đoạn thứ hai của thai kỳ. Bạn có thể đến spa, nêu rõ hiện trạng của mình để được nhân viên dành cho mình những bài massage riêng phù hợp.
Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe thai nhi
Nếu mang bầu lần hai ở tuổi từ 35, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thai nhi có thể nhiễm hội chứng Down, sảy thai, tăng huyết áp, tiểu đường… Để đề phòng, bạn cần đi khám thai thường xuyên hơn và làm nhiều xét nghiệm hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là tất cả các bà mẹ lớn tuổi đều gặp phải những “vấn đề” về thai nhi. Thực tế, không phải tất cả bà mẹ lớn tuổi đều gặp những vấn đề về thai nhi, bởi nhiều phụ nữ trên 35 tuổi vẫn sinh con bình thường mà không gặp phải rủi ro gì. Tuy nhiên, bạn nên tiêm phòng trước khi có ý định thụ thai 3 tháng, nhằm giảm thiểu một số bệnh về sau cho em bé như viêm gan B, thủy đậu. Ngoài ra, bạn cũng cần bổ sung folic acid, vitamin B12, C, calci, sắt và omega 3.
Em bé chui ra khỏi bụng mẹ nhanh hơn

Ở lần sinh thứ hai, âm đạo và cổ tử cung đã trở nên mềm mại, linh hoạt, giúp cho phần đầu của em bé chui ra ngoài dễ dàng hơn. Vì vậy, giai đoạn lâm bồn của bạn cũng sẽ diễn ra nhanh hơn.
Tạp chí Bầu số 65 - Tháng 10/2014

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn