(bau.vn)Nhìn chung, việc vệ sinh trong khi mang thai không khác gì mấy so với chăm sóc cơ thể lúc bình thường. Tuy nhiên, dù sao vẫn có một số đặc điểm khác biệt bạn cần lưu ý.






Khi tắm rửa:
Bạn nên dùng nước ấm qua vòi hoa sen, cũng có thể tắm bồn (bồn tắm được đánh rửa sạch sẽ và sát trùng cẩn thận). Tuy nhiên, cần hết sức cẩn trọng và đảm bảo an toàn, vì có nhiều tai nạn xảy ra do bị trượt ngã. Để tránh những rắc rối, bạn nên đặt một chiếc khăn bông hay thảm cứng dưới đáy bồn. Những tuần cuối thai kỳ sẽ gặp khó khăn khi ra vào bồn tắm, nên tốt nhất là tắm ở ngoài bồn, kỳ cọ bằng miếng mút. Bạn nên tắm rửa thường xuyên, bởi mồ hôi thường ra nhiều ở giai đoạn cuối thai nghén. Không được ngâm mình trong nước nóng hoặc nước lạnh, vì chúng có khả năng gây ra các cơn co thắt tử cung.
Chăm sóc thân thể: Bạn cần vệ sinh cơ thể một cách cẩn thận, thường xuyên cắt móng tay, móng chân và thay đổi quần áo lót, ga trải giường. Do làn da của thai phụ ngày càng trở nên nhạy cảm hơn, nên cần thay thế các loại xà phòng thông thường bằng xà phòng glycerine hoặc xà phòng dành cho trẻ em. Sau khi tắm xong, cần lấy khăn thô xoa nhẹ lên bề mặt của da, để tăng cường sự linh hoạt của da cũng như thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Không cần phải bôi kem hoặc các loại thuốc mỡ, vì chúng sẽ bít kín các lỗ chân lông, ngăn chặn sự bài tiết của da. Bạn không nên sử dụng lọ xịt khử mùi ở vùng nách, vì chúng có thể làm tắc nghẽn các tuyến mồ hôi và thúc đẩy việc hình thành mụn nhọt. Chị em bị ra mồ hôi nhiều ở vùng bẹn, đùi trong, xung quanh bộ phận sinh dục, dưới bầu vú, có thể xoa bột hoạt thạch (bột tan-cơ) hoặc phấn dành cho trẻ em.
Chăm sóc răng miệng: Các bà bầu nên đặc biệt chú ý đến vệ sinh răng miệng. Điều trị nha khoa có thể tiến hành trong suốt thời gian mang thai. Tuy nhiên, thời gian thích hợp nhất cho việc này được tính từ tháng thứ tư đến tháng thứ sáu của thai kỳ. Nếu phải dùng thuốc gây mê, thì cần được sự đồng ý của bác sĩ phụ khoa.
Tuyến sữa và núm vú: Phải được rửa ráy hàng ngày bằng xà phòng ít kiềm và nước, rồi lau khô bằng khăn thô, để giúp cho núm vú nhô ra và làm săn da. Nếu có sữa non tiết ra từ núm vú, phải đặt miếng băng gạc vào trong áo nịt ngực. Trường hợp có vết nứt ở núm vú, cần phải rửa núm vú bằng nước ấm và đắp bằng gạc vô trùng.
Trong thời gian mang thai, bạn nên mặc áo nịt nâng ngực, nhưng không được ép vào núm vú. Không mặc xu-chiêng (áo con) quá chật, vì như thế sẽ cản trở sự phát triển bình thường của vú, ảnh hưởng tới nguồn cung cấp máu cho tuyến vú.

Những vết rạn trên bụng trong thai kỳ có thể được giảm đến mức tối thiểu, nếu như thai phụ lưu ý để không bị béo quá. Một số bác sĩ khuyên rằng, bạn nên sử dụng lanolin hoặc một số loại kem đặc biệt thoa vào những chỗ có vết rạn, kèm theo massage mỗi ngày từ 10 đến 15 phút.
Tạp chí Bầu số 65 - Tháng 10/2014

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn